Chuyển đến nội dung chính

Tưởng rằng đồ thật, hóa... đồ chơi

Mấy ngày qua trong giới chị em sành điệu, "sốt sình sịch" không phải chuyện váy xuyên thấu thương hiệu Hồng Quế made by Hoàng Hải, càng không còn là chuyện Hoàng Anh mặc nùi giẻ ở Hoa hậu Trái đất, mà đã chuyển sang chủ đề gây sốc "đẳng cấp quốc tế" hơn: Chuyện hàng hiệu Gucci giá chỉ... vài USD một món.

Theo đó, ngay giữa quân 1 trung tâm của Sài Gòn hoa lệ, cảnh sát kinh tế đã bắt giữ tại chỗ 4 xe tải chở hàng tấn "đồ hiệu" gắn mác Gucci, Dolce&Gabbana và các nhãn hàng thời trang bạc triệu khác với xuất xứ từ... Quảng Đông, Trung Quốc và giá nhập khẩu trên hóa đơn chỉ 3.8 USD, tức chưa đầy 80.000 VND cho một đôi giày! Thông tin này lập tức gieo rắc nỗi hoang mang cho các chị em bắt đầu có thói quen tưởng thưởng bản thân bằng cách tròng lên người niềm kiêu hãnh mang tên LV, Hermes.

Trên mọi diễn đàn, các bà các chị xôn xao. Người khăng khăng đây chỉ là một chiêu trốn thuế, người tá hỏa vì vừa mới trót mua, người đắc chí bảo rằng: Thấy chưa, ở xứ mình lấy đâu ra đồ thật, tôi là cứ phải sang tận Âu, tận Mỹ xách về...

Chỗ hàng kia đang chờ công an giám định đã đành, đến cái túi mình đang dùng mà cũng không thể xác minh thật giả? Các bà, các chị mua hàng hiệu hay là đánh bạc, chơi trò chơi cảm giác mạnh giá cao?

Giá Au, hàng Fake

Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, từ thuở nàng Đông Thi học nhăn mặt kiểu Tây Thi hay thần Zeus được mẹ đánh tráo bằng hòn đá; hàng giả, hàng nhái đã ra đời và bám theo hàng thật như hình với bóng. Vụ "hàng nhái" lâu đời và đình đám nhất hiện được biết đến trong lịch sử Việt Nam có lẽ là vụ Trọng Thủy lừa tráo lẫy nỏ thần, khiến cha con An Dương Vương nước mất nhà tan. Chỉ xét riêng tuyệt chiêu "nước vỏ lựu, máu mào gà" để giả "cái ngàn vàng" xỏ mũi dân chơi chốn thanh lâu mà sau này Nguyễn Du tổng kết trong Truyện Kiều, đủ biết lớn nhỏ tốt xấu, chẳng có cái gì mà chưa từng bị làm giả. 

Đã mang cái nghiệp dân chơi, chẳng ai muốn khoác thêm cái danh gà mờ. Mà hàng nhái, hàng giả thì ngày càng tinh vi, tiệm cận với hàng thật, nếu không phải dân sành cũng khó lòng phát giác. Thế nên dù giang hồ bấy nay đồn thổi, các tín đồ góp phần tích cực vào 14 tỉ USD hàng xa xỉ nhập khẩu vẫn tự nhủ: "Chắc nó chừa mình ra." Có người biết mười mươi bị lừa cũng đành ngậm tăm cho qua vì sợ bị cười, một mình ôm nỗi đau chi tiền au, dùng hàng fake. Mới đây, có chuyện giữa phố cổ, khách bỏ ra chục triệu mua đôi dép "xịn" đi một lần đã bong, để rồi bị đại diện cửa hàng lên báo mỉa mai là không biết cách dùng.

Nhưng sao phải khổ thế! Không ai có nghĩa vụ phải trở thành một chuyên gia đồ hiệu trước khi mua hàng hiệu. Đồng tiền dẫu có dễ kiếm như vỏ sò vỏ hến thì nó cũng là mồ hôi, công sức, tài sản của anh. Anh lại mua trong cửa hàng chứ không phải ngoài chợ đuổi, sống trong một nước có pháp luật chứ chẳng phải ở ngoài rừng. Thế mà để cho thằng khác ngang nhiên thò tay móc túi anh, rồi lại cười anh, mắng anh ngu thì chết, là cớ làm sao?! 

Tử vì... mác

Theo cách lí giải của cánh nghiên cứu thị trường, thì vì dân mình quen mua cái giá cả, chứ không phải giá trị của món hàng; hay đúng hơn là không biết đòi giá trị món hàng tương xứng với cái giá bỏ ra. Hàng hiệu đắt, trước hết bởi nó cho người dùng cái cảm giác được dùng hàng hiệu. Dân Mỹ bỏ ra 649$, bằng khoảng 1,35% thu nhập thường niên của họ để sở hữu một chiếc iPhone 5. Cũng chiếc điện thoại ấy, người Việt phải bỏ ra gần 20 triệu đồng, tức 60% thu nhập bình quân đầu người/ năm, và gần như không được tận hưởng cảm giác của dịch vụ hậu mãi cao cấp do chuỗi phân phối App Store chưa có mặt tại Việt Nam. Với một chiếc túi hàng hiệu đắt gấp rưỡi đến gấp đôi giá gốc, người Việt cũng không được trải nghiệm dịch vụ chăm sóc đỉnh cao thực thụ, tất cả thông tin cung cấp cho nhà phân phối gần như chỉ để... được thông báo có hàng mới về. 

Cho đến chuyện cơ bản nhất là làm sao để check serial, nhận diện hàng thật - giả, với số đông cũng là chuyện khó khăn. Như vậy, họ có thực sự được trải nghiệm giá trị của món hàng hiệu mình đang sở hữu không, hay chỉ đơn giản là trải nghiệm cảm giác được khoe một món đồ xa xỉ?

Và quan trọng là, tại sao dân Việt chấp nhận điều thiệt thòi vĩ đại ấy, như một lẽ đương nhiên?

Thứ nhất, vì dân mình đã quen phải trả giá quá cao cho những thứ có giá trị quá thấp. Có thể dễ dàng gặp những chiếc áo, đôi giày bạc triệu trong các shop sáng choang ở Hà thành ở các khu chợ bình dân Hàn Quốc với giá chỉ vài ngàn won. Hay "chuyện nhỏ" như những bát phở ngày tết với giá gấp 3 ngày thường mà chất lượng chưa bằng một nửa.


Nhưng chúng cũng chưa là gì so với những thứ đắt đỏ khác. Một cái bảo tàng nghìn tỉ xây lên chỉ để hứng mưa. Một tượng đài vừa dựng lên đã lún móng. Một đội tuyển bóng đá nam lương cao, thưởng hậu, nhưng hết lần này đến lần khác không mang về cái gì hơn ngoài nỗi thất vọng tràn trề. Khi người ta đã quá quen với sự đắt đỏ vô lí, thì "tiền nào của nấy" chỉ còn là một câu tự an ủi; cũng giống như "hàng hiệu nó phải khác", nhưng khác chỗ nào thì không ai rõ.

Thứ hai, vì thói quen chấp nhận sự giả dối. Ở xứ ta, tồn tại cái danh xưng mĩ miều là "các quý ngài chưa bị phát hiện", nơi người ta quen với việc lừa nhau và có thể bị lừa.. Và một ngày còn chưa bị phát hiện, thì hàng thật, hàng giả, bằng thật, bằng giả, dự án thật, dự án ma, tiến sĩ thật, tiến sĩ "đạo" xếp cùng một bị, lập lờ đánh lận con đen vẫn cứ là một phần tất yếu của cuộc sống. 

Ngày xưa, thuở còn ấu trĩ, tôi hay quy nạp "hàng tàu" là "hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng". Cho đến khi tôi sang Trung Quốc và tận mắt chứng kiến những con đường "made in China", những con đường mà cả về hình thức, chất lượng, giá thành đều không có anh em họ hàng gì với "con đường đắt nhất Việt Nam", những "hố tử thần" Lê Văn Lương hay những cây cầu vừa xây xong đã nứt vì... thời tiết khắc nghiệt. Tôi đã tận mắt chứng kiến thương lái ta chọn mua những hàng tồi nhất, rẻ nhất để buôn về, thậm chí đặt làm riêng để xuất về Việt Nam những hàng mà họ đã không còn sản xuất nữa; và nhận ra rằng, hàng Tàu sang Việt Nam rất tồi chủ yếu vì lái buôn ta không chọn hàng tốt để buôn.

Hàng giả, hàng nhái, hàng giá rẻ ở đâu cũng có, và chưa bao giờ được coi là tốt, là hợp pháp, nhưng ở thời hiện đại, sự tồn tại của chúng là để đáp ứng cho những phân khúc khách hàng khác nhau, cho người ít tiền cái cảm giác được dùng những món hàng "gần như thật" với giá rẻ hơn nhiều. Chứ giữa trung tâm thương mại lớn mà còn tồn tại nỗi lo lộn sòng thì thật quá chừng... hoang dã. 

Thứ ba, thói quen sống bằng cái mác. Hơn 9000 giáo sư mà không có nổi một bằng sáng chế, doanh nghiệp đón sinh viên ra trường để đào tạo lại từ đầu và hàng ngàn cử nhân ngoại ngữ ra lò mỗi năm mà vẫn phải tính phương án thuê giáo viên tiếng Anh từ Philippines cho đạt chuẩn; thế nhưng lại cần đến những đề án 20.000 tiến sĩ thay vì chắt lọc lấy vài ông thực sự ra hồn tiến sĩ. Một cô đại sứ du lịch tốt nghiệp đại học tại một trường của Đức dành cho... động vật, một quan chức lấy bằng tiến sĩ từ đại học Mỹ danh giá cũng gần bằng... đại học Bôn Ba. Ông nào lên quan, lên tước cũng cầm theo học hàm, học vị cho sang, cũng như cô nào bước vào showbiz cũng cần một cái túi LV khoác lên người cho chảnh, trước khi học phát âm cho chuẩn chữ "eo-vì".

Nếu như người ta chỉ cần cái mác Gucci cũng như ông quan cần cái bằng tiến sĩ, thì đem hàng thật ra cho họ dùng, chẳng lãng phí lắm sao? 

Cuối cùng, vì chúng ta đang sống ở một xứ sở vui tính nhất trần đời, nơi mọi thứ đặt ra đều là để... cho vui. Chúng ta tổ chức triển khai nghị định trước khi nghĩ ra cách thức thực hiện và vài ngày sau lại tuyên bố tạm dừng để... nghiên cứu tiếp. Chúng ta đều kêu lương không đủ sống, nhưng thực tế thì tất cả vẫn sống lạc quan. Chúng ta có những cây cầu không hề sập, mà chỉ thiết kế theo hình chữ V, có đập thủy điện vỡ tan tành vì bị xe ben húc. Có chuyện kì diệu gì mà không thể xảy ra cơ chứ? Thế thì những cái túi hàng hiệu kia đến từ đâu, chảy vào Việt Nam như thế nào và bay bay bay về những đâu, phỏng có quan trọng gì?

Còn nếu ai đó vẫn lăn tăn chuyện giá cả, thì xin nhắc nhỏ bạn rằng, nhờ ảnh hưởng tốt đẹp của điều kiện khách quan, dân Việt ta là một trong những dân tộc chịu chi nhất thế giới. Dẫn chứng hùng hồn là mới đây, nghe thông tin 70.000 tỷ đồng có thể sẽ được rót ra cho đề án sách giáo khoa mới mà không ai chớp mắt lấy một cái. 

Điều kiện kinh tế, kĩ thuật, giao thông, nhân lực... có vô vàn lí do để làm đường ở Việt Nam đắt hơn ở Nhật, mua đồ ở Việt Nam đắt hơn ở Mỹ. Tôi cũng vui vẻ và sẵn sàng đóng thuế cho cái 70.000 tỷ đồng kia, nếu chỉ cần 50% trong số đó thôi phát huy hiệu quả. Như một quý cô Việt sẵn sàng mua chiếc túi LV đắt gấp đôi, miễn nó có nguồn gốc xuất xứ đàng hoàng, không khiến cô phải bẽ mặt trước bạn bè vì mua hàng au, dùng hàng fake. Không có cái giá nào là quá đắt cho một nền giáo dục tiên tiến, cái đáng sợ là giá trị thật của đề án kia liệu có hiện hữu và đáng tin bằng cái ụ nổi Vinalines dạo nọ?

Dân không ngại đóng thuế giao thông đường bộ, họ chỉ sợ đóng xong mà đường sá vẫn như xưa.

Dân biết xây thêm nhà máy điện hạt nhân thì lợi cho nền kinh tế, nhưng sự cố xảy ra thì không lẽ chạy đến Sông Tranh lánh nạn?

Thiết nghĩ, nhà cung cấp chứ không phải khách hàng phải là người phải chứng minh được những món hàng kia xuất xứ từ đâu và giá trị đến đâu. Những người trả tiền có quyền biết rõ mình đang trả cho cái gì và quyết định xem có đáng để trả tiền cho nó hay không. Trong đa số trường hợp, họ buộc phải ủy quyền cho ai đó thẩm định giùm và trông cậy vào một cái mà người ta gọi là niềm tin, thứ chưa bao giờ vô hạn.

Người Việt sẽ phải trả bao nhiêu để được tin, nếu nó là có giá?

Hay chúng ta sẽ phải học cụ Nguyễn Khuyến ngày xưa, tiếp tục ngắm tiến sĩ giấy mà hài hước ca thầm: "Tưởng rằng đồ thật, hóa... đồ chơi"?!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Truyện cười] Tín dụng

Tháng 8. Mưa. Ở một thị trấn nhỏ đìu hiu bên bờ Biển Đen. Đó là một giai đoạn khó khăn, ai cũng nợ nần và phải mua vay bán chịu (*). Bỗng đâu, một du khách giàu có tìm đến. Ông bước vào khách sạn duy nhất của thị trấn, đặt 100 Euro lên bàn lễ tân và lên gác chọn phòng.

Cha thì sao, mẹ thì sao?

Tôi đã nghĩ như thế đấy, và bây giờ, tôi lại càng tin chắc như thế đấy: Cha mẹ nghĩ mình là ai mà có quyền bắt con cái phải chịu ơn họ ngay khi chúng được sinh ra trên đời?!

Gái Hà Nội (2)

Thời thơ ấu của bố trôi qua nói chung yên bình như tất cả lũ trẻ con phố Hàng khác; hoặc giả trong những cái đầu thơ trẻ, bình yên là dù có bom rơi đạn lạc hay tay uỷ ban từng là ông bán cháo lòng thì cây bàng đầu phố quả vẫn cứ rơi lộp bộp trong bài văn của chúng.