Chuyển đến nội dung chính

Về "tứ đại ngu" của ông Hoàng Hữu Phước

Tôi đặc biệt dị ứng với những người công kích ông Dương Trung Quốc bằng 2 thứ: một là cái tên, 2 là cái danh "nhà sử học". Thầy giáo tôi, PGS. Trần Ngọc Vương, một người khá thân thiết với ông Dương Trung Quốc kể lại, cái tên ấy là do cha ông, liệt sĩ Dương Trung Hậu đặt trước lúc lên đường, hàm ý "trung với nước". Khi ông Hậu mất, cái thai mới được 3 tháng tuổi. Cũng theo thầy, nếu không bị thời thế, cơ chế làm cho lỡ dở thì ông Dương đã học hàm, học vị từ lâu.

Dĩ nhiên tôi tin thầy tôi. Và dĩ nhiên, với trình độ của mình, ông Dương Trung Quốc chẳng có gì phải hổ thẹn khi đứng cạnh các tiến sĩ (đa phần là giấy) bây giờ. Mà cho dù có chưa chắc là thế đi nữa, thì xác suất để 2 giả thiết ấy xảy ra cũng đủ khiến cái lời bỉ bác "nhà sử học Dương Tàu" trở nên lố bịch, hợm hĩnh và độc địa biết chừng nào.

Bị kiện hay không bị kiện chuyện xúc phạm, thì ông Hoàng Hữu Phước cũng phạm một lỗi sơ đẳng: bỉ quan điểm, bỉ luôn cả cá nhân.

Nhưng, những người chỉ trích ông Phước những ngày qua còn tệ hơn thế. Họ chỉ tập trung vào bỉ cá nhân, chứ không hề động vào quan điểm. Họ bị kích động cao độ khi thấy những lời mạt sát ông Dương Trung Quốc, mà theo "nạn nhân", là "cái gì chứ không phải tranh luận", và vì thế, nghĩ mình không cần tranh luận với ông Phước. Chỉ cần ào ào ném gạch thôi. Rằng ông Phước là "nghị khùng", rằng ông mới là đồ "đại ngu", rằng không hiểu ai đã bầu ra cái thứ nghị như ông.

Bỏ qua cái vỏ cách biểu đạt, ông Phước có đưa ra quan điểm phản bác không? Có. Có đưa ra luận điểm, luận cứ, luận chứng để diễn giảng cái ý phản bác của mình không? Có nốt. Ngần ấy cái có, không phải tranh luận, thì để làm gì? Vậy nên, muốn sao thì muốn, để bác bỏ ông Phước, để chứng minh ông Phước mới là "ngu", trước hết, phải bác bỏ được từng điểm trong lập luận của ông này đã.

Vì sao trong cái dòng dư luận và báo chí sôi sùng sục bênh vực ông Quốc và ném đá ông Phước ấy, không một ai, một bài báo nào làm cho đến kì cùng?


Bởi vì, bác bỏ được "tứ đại ngu" của ông Phước, nói sòng phẳng một câu, không phải dễ. Khi đã đủ bình tĩnh để lọc lấy ý chính giữa một rừng văn ngôn rườm rà không đúng chỗ, người ta phải công nhận rằng ông Phước có thể không phải một nhà chính trị giỏi, nhưng dứt khoát là một người cực kì chăm đọc sách và hết sức thuộc bài. Những lí thuyết về chính trị mà ông đưa ra, hầu như đều là cái mà chính khách thế giới đều phải thuộc nằm lòng. Không bỉ quan điểm chỉ bỉ cá nhân, có khi cũng là một nước cờ khôn ngoan và an toàn không biết chừng.

Ví dụ, về điểm 1: Đĩ.
Cái đại ngu thứ nhất của Dương Trung Quốc là lập lại lời thiên hạ thế gian này hay nói khi  tuyên bố danh chính ngôn thuận giữa nghị trường quốc hội rằng mại dâm là nghề cổ xưa nhất của nhân loại, rằng các nước luật hóa mại dâm nên Việt Nam đừng có đạo đức giả nữa đối với nghề mại dâm mà phải công nhận nghề này, và rằng nhất thiết phải đưa mại dâm lên bàn nghị sự của quốc hội.
1) Mại dâm không là nghề cổ xưa nhất của nhân loại mà là nghề…đạo chích, tức trộm cắp. Thánh Kinh Cựu Ước của Thiên Chúa Giáo có cho biết thủa hồng hoang mới có một nam tên Adam và một nữ tên Eva, tất nhiên chưa thể phát sinh nhu cầu giải quyết sinh lý với người nữ khác nên chưa thể có mại dâm. Song, Eva và Adam đã đồng lõa ăn trộm trái táo xơi để khai sinh ra ngành công nghiệp thời trang cho nhân loại. 
2) Cũng trong chương Sáng Thế Ký Genesis của Thánh Kinh Cựu Ước của Thiên Chúa Giáo có ghi việc Chúa Trời sai các thiên sứ bay đến hai thành phố Sodom và Gomorrah vung gươm tàn sát giết sạch nam (đàn ông), phụ (phụ nữ), lão (bô lão), ấu (trẻ em, hài nhi) để trị tội dâm ô đồi trụy. Tuy Genesis không có nêu đặc biệt vấn đề đĩ điếm mại dâm nữ, song trong các chương khác của Thánh Kinh Cựu Ước và Thánh Kinh Tân Ước của Thiên Chúa Giáo như Châm Ngôn (Proverbs 23:27-28), Lu-ca (Luke 7:36-50), Ma-thi-ơ (Matthew 21:31-32) và II Cô-rinh-tô (II Corinthians 5:17), v.v. đều ghi rõ Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus sẵn sàng xóa sạch “tội lỗi” cho đĩ điếm nào tin vào Chúa. Đã là “tội lỗi” ắt đó không bao giờ là “nghề nghiệp” cả.
--> Sai: 
1. Tội lỗi không phải một phạm trù vĩnh viễn, mà có tính chất thời đại. Ngày xưa thợ săn (động vật hoang dã, đương nhiên) là một nghề lương thiện, nhưng ngày nay ở nhiều quốc gia đều coi là tội lỗi.
2. Cũng từ ý trên, mại dâm, ăn cắp chắc chắn là một nghề, có kĩ năng nghề nghiệp, có sự chuyên nghiệp hóa, căn bản nhất, có những người kiếm sống nhờ vào nó. Dựa vào đạo đức để phân biệt đó là nghề hay không nghề là một cách đánh tráo khái niệm. Còn đương nhiên, nghề đó hợp pháp hay không là chuyện khác.
Đúng:
1. Mại dâm không thể là nghề cổ xưa nhất của nhân loại, và không còn gì võ đoán hơn khi khẳng định mại dâm có trước nghề săn, là cái nghề chắc chắn ra đời trước khi có trước mọi hình thức mua bán, trong đó có mua bán thân xác - cái người ta không bao giờ cần làm dưới chế độ quần hôn.
2. Không phải cứ cái gì tồn tại lâu trong lịch sử thì đều xứng đáng được thừa nhận. Thời nào cũng có mại dâm, trộm cướp, và càng lúc loạn lạc, đói kém thì những nghề này càng phát triển. Nếu đã đem yếu tố lịch sử ra so sánh, thì cũng nên thừa nhận rằng từ đông sang tây, từ cổ chí kim, dưới mọi chế độ, 2 nghề ấy chưa bao giờ được coi là tốt đẹp, hẳn nhiên phải có lí do.

3) Dương Trung Quốc là đại biểu quốc hội ứng cử tại địa bàn tỉnh Đồng Nai là nơi có rất nhiều giáo xứ. (...) Việc Dương Trung Quốc phát biểu linh tinh về mại dâm là việc làm không chút khôn ngoan do động đến vấn đề liên quan đến đạo đức mà Kinh Thánh đã nêu và các cử tri là giáo dân các giáo xứ tỉnh Đồng Nai khó thể chấp nhận được sự xúc phạm, nhất là kiểu ăn nói quàng xiên rằng “không công nhận mại dâm tức là đạo đức giả”.

Sự mẫn cảm chính trị của HHP trong trường hợp này không thể phủ nhận. Nên nhớ rằng bản thân cái danh "đại biểu quốc hội" đã bao hàm trách nhiệm cao hơn cả nghị sĩ trong việc đại diện cho người dân nơi đã bầu ra mình để nói lên tiếng nói và bảo vệ quyền lợi của họ tại cơ quan lập pháp. 100% giáo dân sẽ không đồng tình coi mại dâm là một nghề hợp pháp; trừ những người đang làm nghề bán hoa và một số phần tử (tạm coi là ) cấp tiến ra, hầu hết phụ nữ bình thường cũng không đồng tình. Như vậy, ngay cả khi 100% số đàn ông còn lại ủng hộ, đó cũng không phải là đa số. Vậy từ sự ủy thác nào mà ông đề đạt vấn đề đó lên Quốc hội? Ông đại diện cho ai để chỉ trích những người không thừa nhận nghề mại dâm là "đạo đức giả"? Phải chăng ông đang chỉ trích chính những người đã bầu ra ông và có quyền bãi miễn ông?



Nếu có cơ chế tranh cử hiệu quả và nếu đưa vấn đề mại dâm vào cương lĩnh tranh cử, chắc chắn ông Dương Trung Quốc không có cửa để trở thành đại biểu của tỉnh Đồng Nai. Còn nơi nào khác hưởng ứng cương lĩnh tranh cử này, tôi không rõ.


5) Dương Trung Quốc đã hoàn toàn không biết rằng ngay tại Mỹ chỉ có vài tiểu bang và tại các tiểu bang này chỉ có một hay hai thị trấn đưa mại dâm vào danh sách “nghề” để quản lý. Mà ngay cả khi thế giới đảo điên này có công nhận “nghề” mại dâm, cũng không phải là lý do để đặt đĩ nằm chình ình trên bàn nghị sự của quốc hội Việt Nam!

Chính xác. Ngay tại Thái Lan là nơi có nền công nghiệp tình dục nổi tiếng, mại dâm chưa bao giờ là một nghề hợp pháp. 



6) Dương Trung Quốc đã không có tầm nhìn bao quát, sâu rộng, về vấn đề mại dâm. Dương Trung Quốc chỉ nghĩ đến mại dâm như việc đơn giản người phụ nữ có quyền bán thân để kiếm tiền và để đáp ứng nhu cầu xã hội. Dương Trung Quốc hoàn toàn không biết rằng mại dâm bao gồm đĩ cái, đĩ đực, đĩ đồng tính nữ, đĩ đồng tính nam, và đĩ ấu nhi. Dương Trung Quốc hoàn toàn không biết rằng khi “công nhận” cái “nghề đĩ” để “quản lý” và “thu thuế”, thì phát sinh … nhu cầu phải có trường đào tạo nghề đĩ thuộc các hệ phổ thông đĩcao đẳng đĩđại học đĩ; có các giáo viên và giáo sư phân khoa đĩ; có tuyển sinh hàng năm trên toàn quốc cho phân khoa đĩ; có chương trình thực tập cho các “môn sinh” khoa đĩ; có trình luận văn tốt nghiệp đĩ trước hội đồng giảng dạy đĩ; có danh sách những người mua dâm để tuyên dương vì có công tăng thu nhập thuế trị giá gia tăng cho ngành công nghiệp đĩ; có chính sách giảm trừ chi phí công ty hay cơ quan nếu có các hóa đơn tài chính được cấp bởi các cơ sở đĩ, đặc biệt khi cơ quan dùng vé “chơi đĩ cái” tặng nam nhân viên và vé “chơi đĩ đực” cho nữ nhân viên nào ưu tú trong năm tài chính vừa qua; ban hành quy định mở doanh nghiệp cung cấp đĩ, trường dạy nghề đĩ, giá trị chứng chỉ văn bằng đĩ trên cơ sở so sánh giá trị nội địa, khu vực, hay quốc tế; và có các hướng dẫn về nội dung tờ bướm, tờ rơi, bảng quảng cáo ngoài trời, quảng cáo bên hông xe buýt và trên thân máy bay, cũng như quảng cáo online về đĩ, tập đoàn đĩ lên sàn (chứng khoán), v.v. và v.v.
Ngoa ngoắt và không chặt chẽ, nhưng tựu chung lại phản ánh một vấn đề: Cơ chế quản lý. Đạo đức hay không đạo đức là chuyện nhỏ, ảnh hưởng của nó đến trật tự công mới là vấn đề. Còn nếu cố tranh biện rằng đây chỉ là chuyện "quản không được thì cấm", âu cũng đành thừa nhận rằng chúng ta bất lực, như bất cứ quốc gia nào không thu được thuế từ nghề mại dâm.

7) Dương Trung Quốc đã không thể phân biệt giữa nội dung “nhân quyền” tức “quyền con người” trong việc “tự do bán thân”, với “quyền công dân” mà một đạo luật đĩ  có thể điều chỉnh hành vi.  Việt Nam đã chấm dứt việc bố ráp đưa mại dâm nữ vào cơ sở chữa bệnh-phục hồi nhân phẩm, và đây là do Việt Nam tôn trọng “quyền con người”. Còn việc ra sức giáo dục, tuyên truyền để hạn chế sự hoành hành tác tệ của mại dâm đối với trật tự xã hội, nhân cách công dân, đạo đức xã hội, v.v., là việc mà nhà nước nào, dù thần quyền hay thế tục, đều cố gắng làm tốt. Dương Trung Quốc dường như rất vô tư đối với nội hàm làm băng hoại xã hội Việt Nam, cứ như xuất phát từ lòng căm thù bịnh hoạn nào đó đối với chế độ hiện tại của nước này vậy.

Giới hạn của nhân quyền phải trên cơ sở hài hòa với trật tự công; trong khi bất cứ hành vi nào thuộc về mua bán thể xác con người đều có thể xung đột với giá trị nhân đạo cơ bản. Ăn thịt người và cho phép người khác ăn thịt mình, mua bán nội tạng, bán con sơ sinh... là những việc vượt quá giới hạn ấy. Nạo phá thai, chọn giới tính thai nhi nằm giữa các giới hạn ấy. 

Khác biệt cơ bản của những người đòi hỏi hợp pháp hóa mại dâm là thay vì đau xót trước thực trạng mua bán thân xác con người và nỗ lực để dẹp bỏ nó, người ta lại khuyến khích họ (và xã hội) chấp nhận nó như một điều bình thường; giống như một chính phủ bất lực bảo người dân hãy vui sống với cái nghèo của  mình và đừng mơ màng đến những thứ xa xỉ phẩm như chính sách an sinh xã hội.

Trong bộ phim kinh điển Pretty woman, nàng gái điếm Vivianne được ca ngợi không phải vì dám làm điếm, mà vì đã nhận thức được rằng nếu còn tiếp tục mang thân xác ra bán, cô sẽ không bao giờ giữ được sự tự tôn của chính mình. Đó không phải sức ép của đạo đức xã hội, mà chính là ý thức cơ bản về nhân phẩm. "Lấy đĩ về làm vợ" là chấp nhận bỏ qua một quá khứ hoặc lầm lạc hoặc chẳng đặng đừng, chứ không phải chấp nhận một nghề nghiệp.
Nhị Đại Ngu của Dương Trung Quốc: Đa Đảng  
Trong một video clip trả lời phỏng vấn của PhốBolsaTV, Dương Trung Quốc đã vừa nháy mắt vừa nói với nhà báo rằng các anh ấy ở Việt Nam Cộng Hòa nên biết rõ thế nào là “đa đảng”. Có cái mác “Nhà Sử Học” nhưng Dương Trung Quốc đã hoàn toàn không biết gì về lịch sử Việt Nam Cộng Hòa. Như tôi đã nói rõ trong nhiều bài viết trên các trang mạng, Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn không có bất kỳ đảng phái chính trị nào cả! Chỉ đến năm 1974 Nguyễn Văn Thiệu mới thành lập cái gọi là Đảng Dân Chủ, với đảng kỳ là cờ vàng sao đỏ, có cùng kích cỡ như cờ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (trước 1975) và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (từ sau 1975 đến nay), và với Nguyễn Văn Thiệu làm Đảng Trưởng. Buổi lễ thành lập Đảng Dân Chủ của Nguyễn Văn Thiệu được tổ chức tại nơi mà nay là Trung Tâm Thể Thao Quận Bình Thạnh, gần Ủy Ban Nhân Dân Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là chi tiết mà không bất kỳ một người Mỹ gốc Việt nào biết trước khi đọc thông tin của tôi đăng trên các blog. Ăn nói hồ đồ và xằng bậy về Việt Nam Cộng Hòa là điều đại ngu thứ hai của Dương Trung Quốc.


Về lịch sử, tôi không có gì để phản bác.

Tam Đại Ngu của Dương Trung Quốc: Biểu Tình 
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội Việt Nam khóa XIII, tháng 10 năm 2011, sau khi phát biểu xong về sự cần thiết có cái gọi là “Luật Biểu Tình”, Dương Trung Quốc nổi nóng khi nghe đại biểu Hoàng Hữu Phước phát biểu phân tích về ngữ nghĩa, ngữ nguyên, và lịch sử xuất hiện của cụm từ “protest demonstration” trong tiếng Anh mà tiếng Việt đã dịch sai thành “biểu tình” để từ đó kiến nghị chưa thể đưa lên bàn nghị sự cái gọi là “luật biểu tình” do ý tứ chưa thông, chắc chắn sẽ gây cảnh rối loạn an ninh trật tự. Vì nổi nóng trước hiện tượng chưa từng có tiền lệ tại quốc hội Việt Nam khi đại biểu Hoàng Hữu Phước được nghị trường vỗ tay đồng tình, Dương Trung Quốc đã có cái đại ngu thứ ba, gồm 5 điều xằng bậy sau: 
1) Nhấn nút phát biểu tiếp lần thứ hai để chống lại đại biểu Hoàng Hữu Phước, biến nghị trường quốc hội thành nơi đấu khẩu, chà đạp “tự do ngôn luận”, trong khi nhiều trăm đại biểu khác đang chờ đến lượt họ phát biểu, như vậy đã giành giật thời gian chính đáng chính danh chính thức chính đạo của – và gây thiệt thòi cho – 499 đại biểu quốc hội thuộc các tỉnh khác của Việt Nam.
--> Về quy trình, đúng. Nghị trường Việt Nam có quy định về trình tự phát biểu, và là một đại biểu có uy tín, lẽ ra ông Dương Trung Quốc phải là người gương mẫu trong chuyện đó.

2) Do hấp tấp, hiếu chiến, háo thắng, Dương Trung Quốc đã nói xằng bậy rằng “biểu tình” xuất hiện đầu tiên tại Chicago thế kỷ XIX, vì nếu không có kiến thức về ngữ nguyên học, không ai dám tự xưng là “nhà sử học” cả, vì sẽ đến ngày Dương Trung Quốc tuyên bố “biểu tình” đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam đời Nhà Trần với cuộc “biểu tình Diên Hồng”.
--> Xin mời phản bác.

3) Do hấp tấp, hiếu chiến, háo thắng, Dương Trung Quốc đã nói xằng bậy rằng đại biểu quốc hội không đại diện cho dân mà chỉ cho cá nhân, và như vậy chính Dương Trung Quốc khẳng định Dương Trung Quốc không đại diện cho cử tri Tỉnh Đồng Nai, tức là từ chối đại diện cho cử tri Tỉnh Đồng Nai, càng không đại diện cho bất kỳ người dân Việt nào. Đó là chưa kể Dương Trung Quốc không những xúc phạm 499 đại biểu quốc hội Việt Nam, mà lại còn nhổ toẹt vào các đạo luật về tổ chức quốc hội Việt Nam.
--> Chính xác.
4) Do hấp tấp, hiếu chiến, háo thắng, Dương Trung Quốc đã nói xằng bậy rằng đại biểu Hoàng Hữu Phước hãy nghiên cứu trước khi phát biểu, mà không thể hiểu rằng đại biểu thạc sĩ Hoàng Hữu Phước luôn có trách nhiệm trong từng lời phát biểu tại nghị trường và nghiên cứu sâu về lịch sử Việt Nam Cộng Hòa và lịch sử các từ ngữ tiếng Anh trong tương quan tiếng Việt.
--> Đây là chuyện riêng của ông Phước với ông Quốc, và thật lòng, I don't give a damn.

5) Do hấp tấp, hiếu chiến, háo thắng, Dương Trung Quốc đã tự làm lộ cho toàn quốc biết rằng Dương Trung Quốc không biết ngoại ngữ trong khi bản thân là “nhà sử học”.

--> Cái này thì hình như ông Phước nhầm, vì cho đến tận hôm nay, chỉ có mình ông là người bị chửi thôi :))

Tứ Đại Ngu của Dương Trung Quốc: Văn Hóa Từ ChứcTại kỳ họp thứ 4 Quốc hội Việt Nam Khóa XIII tháng 11 năm 2012, Dương Trung Quốc đã phát biểu chất vấn tại nghị trường quốc hội, đặt vấn đề “văn hóa từ chức” với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người lúc đó đang phải giải quyết các sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại các tập đoàn kinh tế Vinashin và Vinaline. Đến khi nghe Thủ tướng trả lời hùng biện, chân thiết, khúc chiết, thấu lý đạt tình, nhận được sự tán dương của 496 đại biểu quốc hội (trừ 1 đại biểu bị miễn nhiệm, 1 đại biểu qua đời khi tại nhiệm, bản thân thủ tướng, và bản thân Dương Trung Quốc), Dương Trung Quốc đã vội vàng nói thêm rằng Dương Trung Quốc sở dĩ đặt câu hỏi là để xem Thủ tướng trả lời thế nào, và với nội dung Thủ tướng vừa đối đáp thì nhân dân yên tâm, tức là đã “an dân”. Dương Trung Quốc trong cái đại ngu thứ tư này đã phạm 3 điều xằng bậy như sau: 
1) Thủ tướng – trên nguyên tắc và lý thuyết tổ chức – đứng đầu tất cả các Bộ. Như vậy, Bộ Quốc Phòng giữ yên bờ cõi, ấy là đại công. Bộ Công An đập nát phản động, tiêu diệt bạo loạn, trừng trị tội phạm, ấy là đại công. Bộ Ngoại Giao đem lá cờ đỏ sao vàng tung bay thắng lợi đối ngoại trên toàn thế giới, ấy là đại công. Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn và Bộ Công Thương lập kỳ tích xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, ấy là đại công. Bộ nào cũng lập công, vấn đề là công nhiều hay ít, nhiều hơn hay ít hơn những khó khăn đang tồn tại. Như vậy, cái đạo lý nào cho phép Dương Trung Quốc hỗn xược thách đố Thủ tướng có dám từ chức hay không, khi quản lý yếu kém để Vinashin và Vinaline gây thất thoát tiền của quốc gia? Đạo lý xưa nay của riêng dân Việt là đánh giá rất cao việc đoái công chuộc tội. Đạo lý xưa nay của riêng dân Việt là công bằng, công minh, công chính. Đạo lý xưa nay của riêng dân Việt là dung hòa nhuần nhuyễn giữa lý và tình nên luôn khoan hòa và thiếu tính cực đoan. Dương Trung Quốc loạn ngôn, dám đem việc Vinashin và Vinaline ra để hỗn láo với Thủ tướng, làm lơ các đại công của các Bộ khác, mà – như đã nói ở trên – đều thuộc dưới quyền Thủ tướng. Thử hỏi, nếu Vinashin không làm thất thoát một xu con nào, nhưng Bộ Quốc Phòng làm mất nhiều tỉnh vào tay quân giặc, Bộ Nông Nghiệp gây ra nạn đói, Bộ Y Tế để dịch bệnh tràn lan, và Bộ Công An bó tay trước bạo loạn đốt phá, v.v., thì đất nước này sẽ ra sao. Dương Trung Quốc đã mị dân khi hùng hổ phát biểu như thể chỉ có Dương Trung Quốc mới “dám” chất vấn như thế. Cái cực đoan, phủ nhận công, phi lý, và bất công là những thứ ngoại lai mà Dương Trung Quốc đã hấp thụ từ bọn giặc nào để tự tung tự tác nơi nghị trường quốc hội Việt Nam như thế? Vinashin là rắn có đầu, và luật pháp nghiêm minh phải xử lý nặng những cái đầu ấy, tức những chức sắc hưởng lương của Vinashin để làm lãnh đạo Vinashin và làm Vinashin phá sản. Đặt vấn đề “văn hóa từ chức” phải chăng hàm ý rằng cứ từ chức là sẽ được “hạ cánh an toàn”, xem như đã giải quyết xong vụ việc?
--> Đây là đoạn nhảm nhất trong toàn bài.

Thứ nhất, Dương Trung Quốc là đại biểu quốc hội, cơ quan độc lập với chính phủ do Thủ tướng đứng đầu, và Thủ tướng là người đang phải giải trình trước QH chứ không phải cấp trên của ông Quốc, thế nên không có chuyện "dám" hay không dám ở đây.

Thứ hai, tư duy "lập công chuộc tội" hay "lấy công bù tội" là thứ tư duy cổ hủ, cảm tính và vô căn cứ hết sức.

- Bộ Quốc phòng ra đời là để giữ yên bờ cõi, Bộ Y tế ra đời là để bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng, Bộ Ngoại giao ra đời là để làm công tác đối ngoại... Không hoàn thành những việc ấy thì nhà nước và nhân dân bỏ tiền, bỏ thuế ra nuôi các ông để làm gì? Làm vừa đúng cái việc phải làm, sao gọi là công?

- Mà cứ cho đó là công, thì công là công, tội là tội, độc lập với nhau, công không âm mà tội cũng chả dương, thế thì lấy căn cứ gì đem hai cái đó cộng trừ với nhau để tính ra phần công to hơn phần tội, từ đó suy ra vô tội? Anh giết người thì dù anh có là nhà bác học phát minh ra loại thuốc chữa AIDS, chữa ung thư cứu hàng triệu sinh mạng, anh vẫn cứ đi tù, vẫn cứ lên ghế điện như thường. Trừ khi ông Phước muốn quay lại cái thời miễn tử kim bài với Thượng phương bảo kiếm.


2)  Dương Trung Quốc và một bộ phận nhỏ người Việt thường đem những thứ ngoại lai làm chuẩn mực cho các so sánh với nội tại của Việt Nam mà thiếu sự hiểu biết thấu đáo, mà cái gọi là “văn hóa từ chức” là một ví dụ. Chính họ nhìn hiện tượng ở nước ngoài rồi tự đặt ra cụm từ “văn hóa từ chức” với sự thán phục, trong khi thực ra chẳng có gì để mà gọi đó là “văn hóa”. Khi một tai nạn thảm khốc xảy ra tại một nước tư bản, Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải nước ấy lập tức từ chức. Đó là quy định bất thành văn để giúp “Đảng” có được 3 điều như (a) thoát được cơn thịnh nộ của người dân, (b) Đảng không bị tổn hại trong kỳ bầu cử tiếp theo, và (c) giữ toàn vẹn danh tiếng và nguồn thu cho các nhà tư bản chủ nhân các công ty chế tạo xe hỏa hoặc tàu bè hoặc máy bay lâm nạn vì các nhà tư bản này cung cấp tài chính cho “Đảng”. “Nhận trách nhiệm quản lý yêu kém” và từ chức, biến tai nạn không phải do lỗi kỹ thuật thiết bị công nghiệp, và người từ chức sẽ được đền ơn bằng cách có một chức vụ cao cấp tại một trong những công ty tư bản ấy. Đây là việc mà bất kỳ ai cũng có thể kiểm chứng dễ dàng từ các nguồn thông tin mở. Làm gì có cái “văn hóa” và cái “tinh thần trách nhiệm” trong cái gọi là “từ chức” trong thế giới tư bản mà cứ tôn vinh, ca ngợi, và thán phục đến độ hỗn láo đem ra lập thành tích “chất vấn như Dương Trung Quốc đã làm.
--> Đoạn này không sai, nhưng thiếu thấu đáo ở 2 điểm:

- Thứ nhất, quy nạp hoàn toàn. Những trường hợp từ chức thân bại danh liệt là cực kì phổ biến. Huống hồ, khi đã chọn con đường chính trị, hiếm có quan chức nào lại sẵn sàng đem cái đó ra đánh đổi một ít quyền lợi về kinh tế, trừ khi chẳng đặng đừng. Và cũng nên nhớ rằng ở nước ngoài, các ông "cựu" là những người cực dễ phải ra tòa vì những sai lầm trong quá khứ, chứ không có chuyện "hạ cánh an toàn" ngon nghẻ như ta.

- Thứ hai, sự dễ dãi trong quy và chịu trách nhiệm trong chính quyền ta hiện tại là không có gì để bàn cãi. Nếu cho rằng các nước tư bản đều chỉ từ chức theo kiểu "làm màu" thì hãy nhìn ngay sang cơ chế cách chức, kỉ luật của Trung Quốc.


3) Khi nhanh nhảu tự cứu mình trước cảnh thất bại vì không thể làm Thủ tướng bối rối hoặc mang nhục trước quốc dân, Dương Trung Quốc đã cho rằng câu chất vấn là để xem Thủ tướng trả lời ra sao. Nghị trường Quốc hội là nơi họp bàn các vấn đề trọng đại của quốc gia, thế mà Dương Trung Quốc sử dụng để test (thử nghiệm) xem Thủ tướng có tài hùng biện không. Nghị trường Quốc hội là nơi họp bàn các vấn đề trọng đại của quốc gia, thế mà Dương Trung Quốc sử dụng để ban ân cho Thủ tướng có cơ hội trổ tài hùng biện để “an dân” hầu ghi điểm son với toàn dân. Nghị trường Quốc hội là nơi họp bàn các vấn đề trọng đại của quốc gia, thế mà Dương Trung Quốc sử dụng để đánh bóng tên tuổi của Dương Trung Quốc như nhân vật đại diện toàn dân tộc để nói lên tấm lòng của toàn dân tộc rằng toàn dân tộc đã an lòng, yên tâm trước câu trả lời chất vấn hùng biện của Thủ tướng, từ đó toàn tâm toàn ý ngưỡng mộ Thủ tướng và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo anh minh tài ba của Thủ tướng. Từ ngữ “an dân” của Dương Trung Quốc mang nội hàm bao gồm tất cả những ý tứ như thế. Và thật khó hiểu, không rõ Dương Trung Quốc đã “lập đại công” với Thủ tướng, hay Dương Trung Quốc đã phạm đại ngu thứ tư này.
--> Đoạn này hoàn toàn là quan điểm cá nhân, không có gì để bàn cãi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Truyện cười] Tín dụng

Tháng 8. Mưa. Ở một thị trấn nhỏ đìu hiu bên bờ Biển Đen. Đó là một giai đoạn khó khăn, ai cũng nợ nần và phải mua vay bán chịu (*). Bỗng đâu, một du khách giàu có tìm đến. Ông bước vào khách sạn duy nhất của thị trấn, đặt 100 Euro lên bàn lễ tân và lên gác chọn phòng.

Cha thì sao, mẹ thì sao?

Tôi đã nghĩ như thế đấy, và bây giờ, tôi lại càng tin chắc như thế đấy: Cha mẹ nghĩ mình là ai mà có quyền bắt con cái phải chịu ơn họ ngay khi chúng được sinh ra trên đời?!

Thi và sĩ

Ngày xưa các cụ còng lưng học, rồi ngoáy một bài văn trong vài canh giờ để chọn hiền tài. Chữ "sĩ" (người có học) thêm một bộ nhân đứng thì thành "sĩ" trong xuất sĩ, làm quan. "Có chữ" tức là có học, "văn hay chữ tốt" tức là có tài, mà có tài thì phải ra kinh bang tế thế, mặc dù cái tài với cái lĩnh vực kinh bang có khi chả liên hệ tẹo nào. Có ông quan được khen là hiền, cả đời xuất sĩ chả làm gì, chỉ làm... thơ. Thôi thế cũng còn may, chứ ông đi xây đập Sông Tranh version trung đại thì đúng là thảm cho đời sau lắm. Di chứng lịch sử để lại là ở cái xứ Nam quốc này, những ông có dính tí "sĩ" chưa nhân đứng, hay nói cách khác, các nhân vật có chữ mà thời nay ta gọi bằng "trí thức", mười ông thì hết chín đều tin mình có tài năng thiên bẩm về chính trị.