Chuyển đến nội dung chính

Con dê của Ô. Seguin (2)

Nguyên tác: Alphonse Daudet
Bản dịch: NXB Trẻ, ghi lại theo trí nhớ, có thể có sai khác :)


Khi con dê trắng lên núi, cả núi vui mừng. Chưa bao giờ mấy bác thông già thấy cái gì xinh xắn như vậy. Những cây dẻ cúi sát đất, vươn cành vuốt ve đầu nó. Những cây đậu kim nở hoa và tỏa hương ngào ngạt khi nó đi qua. Cả ngọn núi tưng bừng chào đón nó.

Anh thử hình dung xem Gringoire, con dê của chúng ta sung sướng biết bao! Không dây thừng, không cọc, không còn gì ngăn nó nhảy nhót, gặm cỏ tùy thích. Ở đây mới thật là cỏ, cỏ cao đến ngang sừng, bạn ạ… Và cỏ, chao ôi, sao mà ngọt ngào, mềm mại, có răng cưa, cả ngàn chủng loại. Thật khác xa với bãi cỏ trong rào. Và còn hoa nữa chứ! Những cây hoa chuông to màu xanh, những hoa ngón tay màu tía, cả một rừng hoa dại ngan ngát đến mê say.

Con dê trắng ngất ngây, lăn lộn trong đám hoa, lăn tròn theo triền cỏ lác đác lá vàng và hạt dẻ. Rồi đột nhiên nó chồm phắt dậy, xông lên, tuôn chạy qua truông, qua bụi, khi thì đứng trên một mỏm đá, khi thì nằm dưới một thung sâu, trên cao, dưới thấp, ở khắp nơi. Tưởng như có đến mười con dê của ông Seguin trên núi.

Ấy là bởi con Blanquette, nó chẳng sợ gì cả. Nó nhảy phắt qua những thác nước lớn, bụi nước và bọt bắn tung. Rồi mình mẩy ướt đầm, nó lăn lưng trên một phiến đá phẳng phơi nắng cho khô. Có lần bước tới sát mép đá, miệng ngậm một cành hoa, nó nhìn xuống cánh đồng phía dưới, thấy ngôi nhà của ông Seguin với hàng rào phía sau. Nó cười chảy cả nước mắt:

- Nhỏ bé quá! Làm sao mình lại từng ở trong ấy được nhỉ?

Con bé khốn khổ, đứng trên cao quá, nó tưởng mình phải lớn bằng thế giới đến nơi.

Tóm lại, đó là một ngày tươi đẹp cho con dê của ông Seguin.

Khoảng giữa trưa, trong khi chạy nhảy loăng quăng, nó lạc vào giữa một bầy sơn dương đang nhấm nho dại ngon lành. Con bé áo trắng lêu lổng của chúng ta gây được ấn tượng mạnh. Người ta nhường cho nó chỗ tốt nhất trong bụi nho và tất cả các anh con trai đều tỏ ra phong nhã. Hình như - chuyện này chúng ta biết với nhau thôi nhé, Gringoire - có cả một anh sơn dương lông đen may mắn làm Blanquette xiêu lòng. Đôi tình nhân đi thơ thẩn trong rừng độ một, hai giờ, và nếu anh muốn biết chúng nói gì với nhau, hãy hỏi những dòng suối lắm lời chảy âm thầm dưới lớp rêu.

Bỗng gió mát lại. Núi rừng trở màu tím nhạt, trời đã về chiều.

- Đã tối rồi ư! - Con dê nhỏ ngạc nhiên dừng bước.

Những cánh đồng phía dưới chìm trong sương mù. Mảnh vườn của ông Seguin biến mất trong sương, chỉ còn thấp thoáng nóc nhà với một chút khói. Nó lắng nghe tiếng lục lạc của đàn cừu đang trở về chuồng và chợt cảm thấy buồn. Một con chim rừng về tổ ngang qua, chạm cánh vào nó. Nó giật mình. Rồi có tiếng tru dài trên núi:

- Hu!… Hu!…

Nó nghĩ tới chó sói - suốt cả ngày, con bé dại dột không nghĩ đến chuyện đó. Cùng lúc, một tiếng tù và rúc lên từ phía xa. Đó là ông Seguin tốt bụng đang cố gọi nó lần chót.

- Hu!… Hu!… - Tiếng sói tru.

- Trở về! Trở về! - Tiếng tù và gọi.

Blanquette muốn trở về. Nhưng chợt nhớ tới cây cọc, sợi dây, hàng rào, nó nghĩ bây giờ không thể chịu nổi cuộc sống đó nữa, và ở lại thì hơn.

Tiếng tù và không thổi nữa.

Con dê nhỏ nghe phía sau có tiếng bước chân sột sạt trên lá. Nó quay lại và thấy trong bóng tối hai cái tai ngắn dựng đứng, với hai con mắt sáng long lanh. Con sói.

To lớn, bất động, con sói ngồi xổm trên chân sau, nhìn con dê trắng nhỏ như thưởng thức trước con mồi. Vì biết chắc mình sẽ ăn được thịt dê nên nó không vội vàng gì. Chỉ khi con dê quay đầu lại, nó mới cười một cách thô bạo:

- Hà hà, con dê nhỏ của ông Seguin!

Và nó thè cái lưỡi to tướng đỏ lòm, liếm quanh cái mồm đầy lông lá.

Blanquette cảm thấy cùng quẫn. Trong khoảng khắc, nhớ tới chuyện con dê già Renaude chiến đấu suốt đêm với sói để rồi sáng ra bị ăn thịt, nó tự nhủ thà để cho sói ăn thịt mình ngay cho rồi. Nhưng rồi nó đổi ý, nó thủ thế, đầu cúi xuống, sừng đưa ra phía trước - vì dĩ nhiên, nó là con dê dũng cảm của ông Seguin.

Không phải nó hi vọng giết được con sói – dê không bao giờ giết được sói - mà chỉ để xem nó có cầm cự được lâu bằng Renaude hay không.

Đúng lúc ấy, con vật gớm ghiếc tiến lại và cặp sừng nhỏ bắt đầu múa may.

A, con dê nhỏ dũng cảm, nó chiến đấu mới thật hăng hái làm sao! Tôi không nói dối đâu Gringoire ạ, hơn mười lần nó buộc con sói phải lùi lại để thở. Những lúc hưu chiến ngắn ngủi ấy, con vật tham ăn vội vã vơ một nắm cỏ khô rồi trở lại trận chiến, mồm đầy cỏ.

Cuộc chiến kéo dài suốt đêm. Thỉnh thoảng con dê của ông Seguin nhìn những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời trong vắt và tự nhủ:

- Miễn là ta cầm cự được đến sáng.

Những ngôi sao cứ lần lượt mờ dần. Blanquette húc mạnh hơn, con sói cũng cắn dữ dội hơn. Vệt sáng nhàn nhạt xuất hiện ở chân trời. Từ một nông trại, tiếng gà vọng tới.

- Thôi thế là xong!

Con dê đáng thương chỉ chờ đến sáng để chết. Nó nằm xoài trên đất, bộ lông trắng đẹp lấm đầy máu.

Thế là con sói chồm lên mình dê nhỏ và ăn thịt nó.

----------------

Tạm biệt, Gringoire!

Câu chuyện mà anh vừa nghe không phải tôi tưởng tượng ra. Nếu đến xứ Provence, anh sẽ được nghe các bà nông phụ kể về cabro de moussu Seguin, que se batttégue touto la neui emé lou loup, e piei lou main lou loup la mangé.

Anh nghe rồi chứ, Gringoire? E piei lou main lou loup la mangé.


********************************************************************

"Thư viết ở cối xay gió" không phải cuốn tôi thích nhất, nhưng sẽ là cuốn tôi chọn nếu chỉ còn được giữ lại duy nhất một cuốn sách trên đời. Bởi những thứ như câu chuyện nhỏ này.

Và nếu phải nhận xét gì đó, tôi sẽ nói rằng...

Nghề kí giả ngày xưa có giá thật :))

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Truyện cười] Tín dụng

Tháng 8. Mưa. Ở một thị trấn nhỏ đìu hiu bên bờ Biển Đen. Đó là một giai đoạn khó khăn, ai cũng nợ nần và phải mua vay bán chịu (*). Bỗng đâu, một du khách giàu có tìm đến. Ông bước vào khách sạn duy nhất của thị trấn, đặt 100 Euro lên bàn lễ tân và lên gác chọn phòng.

Cha thì sao, mẹ thì sao?

Tôi đã nghĩ như thế đấy, và bây giờ, tôi lại càng tin chắc như thế đấy: Cha mẹ nghĩ mình là ai mà có quyền bắt con cái phải chịu ơn họ ngay khi chúng được sinh ra trên đời?!

Thi và sĩ

Ngày xưa các cụ còng lưng học, rồi ngoáy một bài văn trong vài canh giờ để chọn hiền tài. Chữ "sĩ" (người có học) thêm một bộ nhân đứng thì thành "sĩ" trong xuất sĩ, làm quan. "Có chữ" tức là có học, "văn hay chữ tốt" tức là có tài, mà có tài thì phải ra kinh bang tế thế, mặc dù cái tài với cái lĩnh vực kinh bang có khi chả liên hệ tẹo nào. Có ông quan được khen là hiền, cả đời xuất sĩ chả làm gì, chỉ làm... thơ. Thôi thế cũng còn may, chứ ông đi xây đập Sông Tranh version trung đại thì đúng là thảm cho đời sau lắm. Di chứng lịch sử để lại là ở cái xứ Nam quốc này, những ông có dính tí "sĩ" chưa nhân đứng, hay nói cách khác, các nhân vật có chữ mà thời nay ta gọi bằng "trí thức", mười ông thì hết chín đều tin mình có tài năng thiên bẩm về chính trị.