Chuyển đến nội dung chính

Gái Hà Nội (1)

Ông thầy đại học bảo, cầu Chương Dương giống như cô gái trẻ nhưng xấu xí quê mùa, còn cầu Long Biên như người đẹp tuổi đã xế chiều nhưng vẫn còn nguyên những đường nét thanh tú của một thời vang bóng.


Tôi thích lối so sánh ấy. Cầu Long Biên gợi trong tôi một thiếu nữ Hà thành. Mà không, có lẽ ngược lại: khi cần hình dung một thiếu nữ Hà thành, tôi sẽ nghĩ đến cầu Long Biên, kiêu kì và cổ điển một cách duyên dáng, giản dị và trầm tĩnh vô cùng. 

Và còn rắn rỏi vô cùng nữa. Tôi biết điều ấy, khi nhớ về bà nội. Khi tôi biết nghe kể chuyện thì bà lưng đã còng, mắt đã kém; nhưng từ khuôn miệng bỏm bẻm nhai trầu, từ sống mũi dọc dừa đến vành khăn duyên dáng quấn gọn những lọn tóc bạc trắng đã lưa thưa... tất cả vẫn phô bày không giấu giếm cái nhan sắc rực rỡ một thời.

Bà nội không phải gái Hà Nội gốc. Bà là gái Nam Định, trôi về đất Hà thành buôn bán. Ông tôi mộ tiếng, tìm đủ cách cưới về.

Chẳng hiểu các cụ ngày xưa mối manh tìm hiểu thế nào, mà tận khi cưới về xong, bà mới ngã ngửa ra ông đã có vợ cả, còn mình chỉ là vợ lẽ. Nửa đêm, bà lấy trộm cái tít (thẻ căn cước) trốn đi. Ông cho người lùng về, xé tan cái tít rồi đánh cho một trận tơi bời, canh chừng cẩn thận. Đến tận lúc có con, bà mới thôi bị quản thúc; và từ lúc ấy, bà quán xuyến mọi việc trong nhà vì như ông nói, bà cả thì đần, có cũng như không.

Chắc là tôi không công bằng cho lắm khi phán xét chuyện này. Thứ nhất, ông làm vậy để khiến cho mình hạnh phúc, chứ chẳng nhằm mang lại bất hạnh cho bà. Thứ hai, vào thời của ông bà, có lẽ ông tin rằng lấy được một người như ông chẳng có gì là không tốt. Thứ ba, ông chẳng có cơ hội để phân bua cho mình - ông đã mất từ trước khi tôi kịp sinh ra.

Nhưng mà kệ, vì ông đã chưa kịp phân bua, và vì tôi chưa có dịp để thân thiết với ông như bà, nên tôi vẫn ấm ức cho bà bị ông bức hại, và tự hỏi làm sao người ta có thể chung sống một đời với người đáng để ta khinh ghét.

Thế mà bà, bà chẳng ghét ông. Có thể còn yêu là khác, theo cách của bà. Bà kể chuyện mùng 2 tháng 9 năm 1945, sửa soạn cho ông khăn xếp áo the, xôi nếp thịt gà đủ ăn đến cả tuần; vì chưa ai hình dung ra cái lễ Quốc khánh nó như thế nào. Đến gần trưa thì ông xốc xếch trở về, chửi ầm nhà vì bị chen mất cả cái ô. Bà kể, vừa nhai trầu vừa mủm mỉm.

Bà dạy tôi bói Kiều, mở một trang bất kì và bảo tôi đọc to để bà nghe. Thơ rằng:

"Trên yên sẵn có con dao
Giấu cầm nàng đã gói vào chéo khăn..."

Tôi ngơ ngác. Bà cười. Hẳn là ngày nào xưa, khi nửa đêm tân hôn trốn ra đường, bà cũng kiên quyết như nàng Kiều lúc ấy. Nhưng rồi bà cũng đã chấp nhận điều đó như là số phận, và khi đã chấp nhận thì vun đắp cho nó hết lòng. Điều mà những đứa con gái như tôi lúc này, ở thế kỉ khác nhìn về, không làm sao hiểu nổi.

Ông nội mở xưởng gò vành xe đạp ở phố Kì Đồng, Trần Phú bây giờ, nho nhỏ cỡ đôi ba chục thợ. Bữa nọ, có anh Tây vào sửa xe rồi dông thẳng, bà hốt hoảng hô lên: "Ối ông ơi, thằng kia nó không trả tiền." Ông bà hộc tốc chạy theo, ông chặn đằng trước, bà níu đằng sau giữ lại, dần cho anh Tây một trận ra trò. Cả đám bị điệu lên sở cẩm. Tội đánh người Tây, thợ thuyền ai cũng xanh mắt. Ấy vậy mà ông bà hoa chân múa tay trình bày một lúc, được tha bổng về. Chỉ hiềm sau hôm ấy, quan chánh cẩm cứ dăm hôm lại lượn qua thăm. Ông thấy có mùi, cấm tiệt không cho bà bước chân ra xưởng nữa.

Rồi kháng chiến, tản cư. Bà đi trước, quẩy một gánh, bên đồ đạc thường dùng, bên bố tôi ngồi gặm cạp thúng. Ông chủ tịch xã lâm thời thấy bà có nhan sắc, thấy bố tôi da trắng tóc hung, quy ngay là me tây, đòi bắt lại. Cái phích nước - thời ấy còn hiếm - bị đập tan tành vì lão tưởng là... bom. Ông nội đến nơi, làm tanh bành họ mới thả vợ con, nhưng nhất định không chịu đền cái phích. 

Ông tôi, một dân buôn thuần tuý chẳng màng gì triết lí sâu xa, cay đắng bảo rằng: "Pháp nó cướp nước, mà nó còn chưa cướp được của tôi đồng nào..."

Sau này thuật lại chuyện ấy, bố tôi chỉ nói nhẹ nhàng: "Người ta ác vì người ta dốt..."

Đó, hình như là điều duy nhất tôi học được từ ông. Để không ác một cách vô tình, không bao giờ được thoả hiệp với sự ngu dốt. 

(To be continued...)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Truyện cười] Tín dụng

Tháng 8. Mưa. Ở một thị trấn nhỏ đìu hiu bên bờ Biển Đen. Đó là một giai đoạn khó khăn, ai cũng nợ nần và phải mua vay bán chịu (*). Bỗng đâu, một du khách giàu có tìm đến. Ông bước vào khách sạn duy nhất của thị trấn, đặt 100 Euro lên bàn lễ tân và lên gác chọn phòng.

Cha thì sao, mẹ thì sao?

Tôi đã nghĩ như thế đấy, và bây giờ, tôi lại càng tin chắc như thế đấy: Cha mẹ nghĩ mình là ai mà có quyền bắt con cái phải chịu ơn họ ngay khi chúng được sinh ra trên đời?!

Gái Hà Nội (2)

Thời thơ ấu của bố trôi qua nói chung yên bình như tất cả lũ trẻ con phố Hàng khác; hoặc giả trong những cái đầu thơ trẻ, bình yên là dù có bom rơi đạn lạc hay tay uỷ ban từng là ông bán cháo lòng thì cây bàng đầu phố quả vẫn cứ rơi lộp bộp trong bài văn của chúng.