Chuyển đến nội dung chính

Nấu cháo trên lưng nhà báo hay đạo đức kiểu báo chí chính thống

Sau baomoi.com, đến lượt 24h lên thớt.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu đó là một cuộc chiến bản quyền, một cuộc đấu tranh thực sự vì những người cầm bút chân chính và những bài báo chân chính.

Cũng chẳng có gì đáng nói nếu đó là ván bài lật ngửa nhằm chia lại cái bánh lợi ích vốn cũng không công bằng cho lắm ở cái làng bán chữ lấy tiền này.

Nhưng có ít nhất 3 điều khiến chiến dịch của các tờ báo cách mạng trở nên lố bịch, hài hước và đáng thương khôn tả; và khiến cuộc thánh chiến của họ thành một màn đấu tố không hơn không kém.


1. Đẳng cấp của đặc quyền

Sự ra đời và lên ngôi của hàng loại những trang tin tổng hợp trên tất cả các lĩnh vực và phân khúc độc giả đã góp phần quan trọng làm thay đổi căn bản diện mạo báo chí Việt Nam. Ở mặt tiêu cực, nó dẫn đến cuộc chạy đua khốc liệt về giật title câu view, về xu thế sốc sếch sến, phong cách làm báo salon xào luộc và vô số hệ lụy khác. Nhưng ở mặt tích cực, nó là nhân tố khiến các báo phải giật mình xem lại thứ tư duy bao cấp trịch thượng nhét vào miệng độc giả những thứ không hợp với nhu cầu của họ. 

Báo chí về bản chất là một mặt hàng - cho dù có là mặt hàng đặc thù đi nữa, nó sinh ra trước nhất để bán, và phải bán được, bằng cách đáp ứng những gì thị trường mong muốn. Các trang tin điện tử làm được điều ấy, theo những cách khác nhau. Bên cạnh việc chạy theo thị hiếu giật gân, mát mẻ, cũng có trang lựa chọn đem đến các giải pháp tiện ích, như baomoi.com tạo siêu thị thông tin giúp người đọc có thể theo dõi toàn cảnh thông tin trong ngày mà không cần chạy đi chạy lại nhiều trang web. Cũng có những trang lựa chọn đi sâu phục vụ nhóm đối tượng cụ thể, như cafeF.vn; và họ đã làm tương đối tốt, hơn nhiều tờ báo kinh tế - tài chính chuyên ngành được đầu tư bài bản khác.

Để không bị tụt hậu trong cuộc chạy đua, dù ít dù nhiều, hầu hết các tờ báo đều chịu ảnh hưởng, hay đúng hơn là học theo phong cách của những trang tin điện tử. Họ lấp đầy khoảng trống tin tức và tiết kiệm kinh phí bằng cách gõ lại nội dung của nhau, và của các trang tin. Họ nghĩ đủ chiêu trò, mảng miếng để câu view. Để rồi nhìn qua nhìn lại, trừ dân trong ngành, độc giả thông thường chắc cũng chẳng mấy ai phân biệt nổi đâu là tờ báo, đâu là trang tin điện tử.

Vậy với thực trạng hiện nay, báo chính thống hơn (hay khác) trang tin điện tử chỗ nào?

Chỉ một cái danh 'tờ báo được cấp phép' mà thôi. Và nó là một thứ đặc quyền gắn liền với cơ chế, cơ chế  không cho phép tư nhân đứng tên chủ quản một cơ quan báo chí.

Nhưng thực tế thì sao?

VnExpress, tờ báo điện tử đầu tiên, con đẻ của FPT, ra đời với danh nghĩa Hội KHKT Việt Nam.

VTC News, tờ báo của doanh nghiệp nhà nước VTC, lách luật bằng cách núp bóng Đài truyền hình Kĩ thuật số VTC.

Báo Dân trí, không chung gì với TW Hội Khuyến học Việt Nam ngoài hộ khẩu.

Chắc không cần phải liệt kê danh sách những tờ báo 'ông đúc cốt, ông tráng men' ngày càng kéo dài ra mãi. Mà tất yếu thôi, với tình hình kinh tế và sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay, số tờ báo đủ khả năng tự nuôi mình như Thanh Niên, Tuổi Trẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay; còn lại nếu không được bao cấp thì đều muốn nhờ bóng doanh nghiệp, ông bầu nào đó.

Và thứ quái thai đích thực đã hình thành. Đó là việc ra đời những tờ báo dưới danh nghĩa 'cho thuê' của một tổ chức chính danh nào đó. Kinh điển hơn cả là series ấn phẩm và báo điện tử ăn khách núp dưới danh một tổ chức chính trị xã hội, tất cả đều lên như diều và được mua đi bán lại như mua rau. 

Trong bối cảnh ấy, vỗ ngực khoe cái danh 'báo chính thống', khác nào một cậu ấm bất tài vỗ ngực khoe cái nguồn gốc cao quý của gia đình mình. Thật thảm hại nếu bạn không còn gì khác để khoe ngoài tí đặc quyền có thể mất đi bất cứ lúc nào cùng với sự thay đổi chính sách. 

2. Đuổi cùng giết tận

Thống nhất rằng, trang tin điện tử không có quyền sản xuất, mà chỉ có quyền tổng hợp tin tức từ báo chí và các nguồn chính thống ở dạng nguyên trạng, như quy định hiện hành.

Nhưng trang tin điện tử bị khinh cũng vì lẽ đó, bị kiện cũng vì lẽ đó. Để có vị trí, không bị khinh, không bị kiện, họ cần có sản phẩm, cần tự làm ra được tin bài. Và thế là họ đi viết. Họ xông vào các cuộc họp báo, đến các hiện trường, tiếp cận với các nhân vật. Các bài viết ra đời. Những bài gõ lại đóng mác Theo Zing, Theo Kênh 14, Theo CafeF cũng theo xuất hiện trên các báo chính thống. Vì cái gì? Đơn giản là biên tập viên của các tờ báo chính thống thừa hiểu, đó là bài viết có giá trị mà bản thân báo mình chưa sản xuất được; chứ chẳng ai bỗng dưng bắt được họ bê về.

Việc đi viết ấy là không đúng với quy định, hiển nhiên. Nhưng khi nghe tin ông Tổng biên tập tờ báo X nào đó mách với cơ quan chủ quản, thì bỗng dưng tôi lại nảy ra câu hỏi cũng hơi nghề nghiệp: chuyện đi viết của họ ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới, ảnh hưởng gì đến nồi cơm, nồi cháo nhà ông?

Riêng cá nhân mình, tôi có những anh em, bạn bè rất giỏi chuyên môn đang làm ở các trang tin, và tôi tôn trọng những nhà báo không được thừa nhận ấy hơn nhiều so với những tờ báo được bao cấp bằng tiền thuế của dân mà lượng truy cập lèo tèo cỡ top 1000 hay báo in ra chỉ để cho vui, mà những con người ở đó vẫn vênh vang mình là nhà báo, là chính thống.

Và suy cho cùng, với mô hình tòa soạn và tỉ lệ số thẻ nhà báo/ số phóng viên hiện nay, ai đó làm ơn chỉ giúp tôi tác hại cụ thể của việc cho phép trang tin điện tử sản xuất tin bài? Xét về mặt quản lí, điểm vướng duy nhất vẫn chỉ nằm ở 4 chữ 'tư nhân làm báo' mà thôi!

3. Đạo đức giả

Không cho viết, cũng không cho lấy lại, có lẽ các báo nên đề xuất xóa bỏ luôn cái loại hình gọi là trang tin điện tử cho xong.

Nhưng họ không làm như thế. Họ chỉ kêu gào. Kêu oan, kêu thiệt. Kêu bị nấu cháo trên lưng mình. 

Một đứa trẻ con cũng hiểu vì sao 2 lần nổ súng của PetroTimes không nhằm vào các trang tin điện tử nói chung, mà chĩa thẳng vào 2 đại gia baomoi và 24h. Bản thân PetroTimes cũng có thèm giấu giếm điều ấy đâu, khi luôn mồm kêu gào về miếng bánh lợi nhuận.

Thế thì đây có phải câu chuyện của làm báo hay không làm báo đâu, đây là câu chuyện chia tiền đấy chứ.

PetroTimes khẳng định: các tờ báo khác để bị ăn cắp mà không dám kêu là vì nhu nhược, vì hèn, vì dĩ hòa vi quý. Còn tôi thì thấy, vì họ thấy mình cũng chẳng hơn gì. Các trang tin điện tử có chiêu nào, thì họ cũng làm y như thế, thậm chí tàn khốc hơn, vĩ đại hơn; khi cho ra đời những bài 'báo' như cô gái ỉa đùn, bố chồng dính nàng dâu. Cái đau lòng cho họ là, dù đã phải 'hạ mình' áp dụng mọi biện pháp như thế, báo của họ vẫn không sao theo kịp baomoi, 24h, kenh14 cả về doanh thu và pageviews. Và thế là giở bài cáo chê nho, họ lại trơ trẽn bảo rằng vì báo họ không sốc sếch sến, vì họ làm nhiệm vụ tuyên truyền chính trị (nực cười), vì họ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản, nên tờ báo của họ không hấp dẫn bằng, không đông người đọc bằng và không hút tiền bằng các trang tin điện tử. 

Không biết nên gọi là ảo tưởng về bản thân, hay là biến đen thành trắng nữa!

Bản chất câu chuyện vốn đơn giản vô cùng: muốn hưởng lợi từ sản phẩm của tôi, anh phải trả tác quyền. Yahoo News đang làm như thế. 24h, baomoi hay bất cứ trang tin nào cũng có nghĩa vụ phải làm như thế. Còn vì sao họ không tự giác, là vì chỉ có thằng ngu mới tự động đòi trả tiền khi mà các báo khác vẫn đang tự do lấy lại tin bài của nhau, và của chính họ. 

Vậy thì, nếu bạn tự tin báo mình trong sạch, không vi phạm của ai, và cũng không muốn ai vi phạm của mình, cứ gửi văn bản; tôi tin chắc rằng ít ông chủ trang tin nào ngu và đánh giá cao tác phẩm của bạn đến mức vẫn tiếp tục lì lợm lấy bài của bạn. Còn nếu họ thực sự ngu và lì lợm, hãy báo cho cơ quan chủ quản, hoặc cao hơn nữa, kiện ra tòa (dân sự nhé). Cách làm đó văn minh hơn nhiều so với việc bỗng dưng lên báo chửi đông đổng người ta là ăn cắp, kí sinh trùng. Và nhân thể, vì PetroTimes có vẻ thích nhắc đến luật, cũng xin nhắc nhở họ rằng, trừ tòa án, không ai có quyền gán cho người khác tội danh 'ăn cắp', như cách mà họ đã làm. Cái này hoàn toàn có thể quy về phỉ báng tổ chức, cá nhân.

----------------
Tôi không thích trò xào luộc của 24h, tôi cũng ghét cách PV K14 dí ống kính vào mặt từng người trong đám tang cậu sinh viên bị đâm chết.

Nhưng tôi còn ghét hơn, thói đạo đức giả của một số người.

Bạn tính toán cho bản thân, đó là chuyện bình thường. Bạn có sản phẩm và không muốn ai ăn không ăn hỏng nó, đó là điều hoàn toàn chính đáng.

Nhưng bạn khoác cái áo đạo đức cho tất cả những chuyện vốn rất bình thường trong xã hội văn minh và cố che giấu mục đích thực của mình bằng cách biến nó thành một cuộc thánh chiến vô cùng vĩ đại, điều đó chỉ làm bạn đạo đức giả đến mức hài hước mà thôi.

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Truyện cười] Tín dụng

Tháng 8. Mưa. Ở một thị trấn nhỏ đìu hiu bên bờ Biển Đen. Đó là một giai đoạn khó khăn, ai cũng nợ nần và phải mua vay bán chịu (*). Bỗng đâu, một du khách giàu có tìm đến. Ông bước vào khách sạn duy nhất của thị trấn, đặt 100 Euro lên bàn lễ tân và lên gác chọn phòng.

Cha thì sao, mẹ thì sao?

Tôi đã nghĩ như thế đấy, và bây giờ, tôi lại càng tin chắc như thế đấy: Cha mẹ nghĩ mình là ai mà có quyền bắt con cái phải chịu ơn họ ngay khi chúng được sinh ra trên đời?!

Thi và sĩ

Ngày xưa các cụ còng lưng học, rồi ngoáy một bài văn trong vài canh giờ để chọn hiền tài. Chữ "sĩ" (người có học) thêm một bộ nhân đứng thì thành "sĩ" trong xuất sĩ, làm quan. "Có chữ" tức là có học, "văn hay chữ tốt" tức là có tài, mà có tài thì phải ra kinh bang tế thế, mặc dù cái tài với cái lĩnh vực kinh bang có khi chả liên hệ tẹo nào. Có ông quan được khen là hiền, cả đời xuất sĩ chả làm gì, chỉ làm... thơ. Thôi thế cũng còn may, chứ ông đi xây đập Sông Tranh version trung đại thì đúng là thảm cho đời sau lắm. Di chứng lịch sử để lại là ở cái xứ Nam quốc này, những ông có dính tí "sĩ" chưa nhân đứng, hay nói cách khác, các nhân vật có chữ mà thời nay ta gọi bằng "trí thức", mười ông thì hết chín đều tin mình có tài năng thiên bẩm về chính trị.