Chuyển đến nội dung chính

Ai xuất khẩu HKT sang Trung Quốc?

Hành trình của danh tiếng lắm khi cũng rất vòng vèo. Có những trường hợp tác phẩm nổi tiếng ở nước ngoài trước tiên, rồi dội trở lại trong nước, mà Gangnam Style là một ví dụ: Sau khi làm mưa làm gió ở Mỹ và các nước khác, cơn lốc này mới quay trở về càn quét xứ Hàn. Có những nghệ sĩ tài danh ở nước này nhưng lại ít được biết đến ở nước khác, như Amy Winehouse chẳng hạn: hầu hết khán thính giả Việt đều chỉ biết đến nữ ca sĩ này sau khi báo chí rầm rầm đưa tin về cái chết của cô.


Nhưng dù thành công thực tế vượt quá xa mong đợi, PSY, bố già danh tiếng và được đào tạo bài bản hàng đầu của nền giải trí Hàn hẳn vẫn không khỏi đắc ý về ekip viral marketing tuyệt hảo của mình. Còn trường hợp của Amy, có thể tóm tắt thế này: sau nhịp đầu tiên hờ hững, các phóng viên văn hóa tài hoa của ta bắt đầu cảm thấy bất ổn khi thông tin về cô nàng "vô danh tiểu tốt" kia được hầu khắp các báo lớn nước ngoài nườm nượp đưa. Và may quá, cuối cùng họ đã hiểu ra rằng: nếu cái chết của một ai đó làm truyền thông thế giới phát cuồng thì đó dứt khoát phải là tin tức.

Ẩm ương đến mấy, thì cũng không có thứ danh tiếng đến từ 3 hạt dẻ phép lạ. Càng không có chuyện một nhóm nhạc tài năng tầm tầm, phong cách bị ném đá tơi tả ở nước này bỗng dưng được ca ngợi ở một nước có nền giải trí phát triển hơn.

Thế mà bỗng dưng một ngày đẹp trời, xôn xao cái tin các thiên thần HKT được ca ngợi trên báo nước ngoài; đáng nói là không phải trong nhân dạng "phục thiện" (dù hơi sến) đã được dư luận trong nước vỗ về, mà với dáng vẻ "siêu Xayda" từng bội thu gạch đá một thời. Ơ, thế mới tài!

Không tài sao được, khi nó lập tức khiến truyền thông Việt lao vào hùng hục đưa tin.

Ngày 14, 15/11: Loạt tin tự sướng theo phong cách quen thuộc mỗi lần được lên báo Tây, Tàu. Phỏng vấn nhặng xị. Nhưng hot như thế nào, hot vì sao thì chưa cần biết.

Ngày 16, 17: Bắt đầu "góc nhìn khác", vẫn phong cách quen thuộc "đằng sau" và "sự thật về". Một vài báo tỏ ra hả hê khi hóa ra là HKT đang bị chửi xéo và ném đá chứ không phải ca ngợi như lúc đầu. Nhưng vì sao bỗng dưng một nhóm nhạc chả mấy tên tuổi ở VN sang Tàu hứng đá, mà lại hứng được nhiều đá thế, vẫn là một bí ẩn.

18, 19: Khởi động chiến dịch đuổi cùng giết tận. "HKT đang làm hại nền giải trí Việt Nam", "Vạch trần con đường nổi tiếng tại Trung Quốc của HKT". Nhưng rốt cuộc vẫn là mấy bình luận của vài cư dân mạng, Tàu có Việt có.

Chẵn một tuần làng báo văn hóa Việt chạy theo mạng Tàu. Hí hửng có, cay đôc có và chủ yếu là câu view. Tịnh không một ai đặt ra câu hỏi đơn giản này: Ai đã xuất khẩu HKT sang Tàu?


Với diện tích gần 9.6 triệu km2 và dân số hơn 1.3 tỉ người, Trung Quốc đủ nguồn lực để sinh ra những thứ thượng vàng hạ cám, ở đây người ta dễ dàng tìm được những thứ từ nhân văn nhất đến tàn ác nhất, tinh hoa nhất đến nhảm nhí nhất, đẹp đẽ nhất đến xấu xí, quái gở nhất. Làng giải trí cũng không ngoại lệ, Cbiz quá đông đúc để cần chào đón sự xuất hiện của một gương mặt xa lạ. Các ngôi sao Hàn, Đài dù đã không ít lần tạo sóng nhưng vẫn phải thừa nhận chẳng dễ dàng gì để ăn cơm đại lục. Trong khi đó, việc "đem chuông đi đánh xứ người" của các sao ta, đa phần cuối cùng chỉ phục vụ được cho một dúm Việt kiều hải ngoại. Cho nên, chẳng có lí do gì để người Trung Quốc phải tự đi tìm và "nhập khẩu" những món made in Vietnam như HKT. Nó phải được người Việt chủ động xuất khẩu, tất nhiên bằng con đường tiểu ngạch.

Chẳng có gì sai khi muốn xuất khẩu sản phẩm của mình. Thị trường xuất khẩu có tiếp nhận hay không, là một chuyện khác.

Còn tái nhập khẩu nó, lại là một chuyện hài. Của những kẻ vừa tự ti, vừa tham, vừa ngu, vừa ác độc.

KÌ SAU: TÁI NHẬP KHẨU HKT - AI LÀM HẠI NỀN GIẢI TRÍ VIỆT?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Truyện cười] Tín dụng

Tháng 8. Mưa. Ở một thị trấn nhỏ đìu hiu bên bờ Biển Đen. Đó là một giai đoạn khó khăn, ai cũng nợ nần và phải mua vay bán chịu (*). Bỗng đâu, một du khách giàu có tìm đến. Ông bước vào khách sạn duy nhất của thị trấn, đặt 100 Euro lên bàn lễ tân và lên gác chọn phòng.

Cha thì sao, mẹ thì sao?

Tôi đã nghĩ như thế đấy, và bây giờ, tôi lại càng tin chắc như thế đấy: Cha mẹ nghĩ mình là ai mà có quyền bắt con cái phải chịu ơn họ ngay khi chúng được sinh ra trên đời?!

Thi và sĩ

Ngày xưa các cụ còng lưng học, rồi ngoáy một bài văn trong vài canh giờ để chọn hiền tài. Chữ "sĩ" (người có học) thêm một bộ nhân đứng thì thành "sĩ" trong xuất sĩ, làm quan. "Có chữ" tức là có học, "văn hay chữ tốt" tức là có tài, mà có tài thì phải ra kinh bang tế thế, mặc dù cái tài với cái lĩnh vực kinh bang có khi chả liên hệ tẹo nào. Có ông quan được khen là hiền, cả đời xuất sĩ chả làm gì, chỉ làm... thơ. Thôi thế cũng còn may, chứ ông đi xây đập Sông Tranh version trung đại thì đúng là thảm cho đời sau lắm. Di chứng lịch sử để lại là ở cái xứ Nam quốc này, những ông có dính tí "sĩ" chưa nhân đứng, hay nói cách khác, các nhân vật có chữ mà thời nay ta gọi bằng "trí thức", mười ông thì hết chín đều tin mình có tài năng thiên bẩm về chính trị.