Chuyển đến nội dung chính

Kéo và thả


Khi Google+ mới ra đời, trò chơi yêu thích nhất của các tín đồ mạng xã hội là "đặt vòng". Bạn có thể tự do kéo tên ai đó và thả vào các "vòng", tức những nhóm xã hội được chia theo quan niệm của mình, và bằng cách đó, xác lập mối quan hệ - dù phức tạp đến đâu -của bạn với ai đó, trong chỉ một giây. Nhanh và thú vị hơn nhiều so với việc chia nhóm trên Facebook.




Ngay cả bây giờ, khi mà trên các diễn đàn, những người bạn ảo của tôi đồng loạt hô vang: "Facebook cải tiến giao diện, G+ giãy chết", trong giới hạn hiểu biết của mình, tôi vẫn tin rằng có một cái mà các mạng xã hội, kể cả Facebook, chưa thể theo được Google, đó là "kéo và thả".

Trải nghiệm ấy, tôi được thử lần đầu không phải với G+, mà là Blogger. Trong nỗi thất vọng "thấy vậy mà không phải vậy" tràn trề giai đoạn khủng hoảng chuyển từ 360 sang 360plus, được tận tay "sờ" những module kéo thả tự do của Blogger, chẳng khác nào đang khát cháy cổ mong một cốc nước lọc bình thường thì có ai đặt trước mặt ly cocktail hạng nhất. Tất nhiên, với dân nghịch blog chuyên nghiệp thì tất cả những cái đó chẳng xi nhê gì, bởi đằng nào họ cũng sẽ đập hết đi để làm lại theo ý mình. Nhưng với đứa gà công nghệ và chỉ cần một cái nhà đơn giản, vừa mắt, dễ cơi nới để thoải mái vung chân vung tay và hát váng lên mỗi ngày đi làm về như tôi, thế đã là quá đủ.



Sau Blogger là iGoogle, và có thể nói, đây là một trong những trải nghiệm dễ chịu nhất. Chẳng cần thò tay vào những trình chỉnh sửa, tất cả những gì bạn cần làm là kéo module New York Times lên đầu và vứt nó xuống cuối vài giây sau nếu cảm thấy hôm nay cần đọc Bloomberg hơn, hay bỏ quách thời tiết Hà Nội đi để dành cột phải cho Wikipedia khi biết sáng nay phải tra cứu cái gì đó. 

Không chỉ là vấn đề tiết kiệm một vài phút, sự tiện lợi của "kéo và thả" cho bạn cảm giác tự do tuyệt đối, dù tự do đó trên thực tế được fix trong những khung nhất định. Cũng giống như bạn quản lý thế giới của mình, còn thế giới quản lý bạn bằng những khung pháp lý và đạo đức. 

Còn hơn thế nữa, kéo và thả, một hình ảnh sinh động cho quan niệm sống mà tôi luôn đề cao: Cái gì nhấc lên được thì cũng đặt xuống được. Và một thực tế khác, ít mong đợi hơn: Cái gì có lúc nhấc lên, thì cũng phải có lúc đặt xuống, cho dù bạn có đủ kiên nhẫn (và đủ sức) để giữ chuột cả ngày đi nữa.

Bởi vì mới cách đây ít lâu thôi, một người bạn - một cậu em thì đúng hơn - tâm sự với tôi rằng, nỗi sợ lớn nhất trong tình yêu, không phải là người ta không yêu mình, mà là sợ một ngày nào đó sẽ không còn yêu người ta nữa. Thật vậy, trong cuộc sống, trong một mối quan hệ, có những thời điểm mà người ta hiểu rằng nó chẳng thể nào như trước nữa. Nhưng đôi khi, nỗi ngần ngại phải chỉnh sửa module sẽ khiến bạn cố gắng chấp nhận hiện tại, cho đến khi quá mệt mỏi, chán ngán và chọn một giải pháp tiêu cực hơn: Bỏ trốn.

Tôi đã bỏ rơi cái blog 360+ của mình như thế. Cậu bé kia đã rời xa mối tình đầu của mình như thế. Sẽ thật nhẹ nhàng, nếu người ta có thể nhấc lên và thả xuống, như trong Google. Còn bây giờ, trong lòng cậu bé, câu chuyện cũ vẫn cứ nhói lên mỗi lần nhắc lại.




Không, tôi nói dối đấy. Mọi thứ không đơn giản và nhẹ nhàng như vậy. Người ta chỉ có thể dễ dàng nhấc lên và đặt xuống những thứ không quá gắn bó với mình, hoặc những cái mình không sợ mất. Đó là lý do mà nếu cảm thấy không thể lâu dài với cái gì, tôi sẽ cố gắng rời bỏ nó sớm nhất có thể. Đó cũng là lý do mà với những mối quan hệ không nhìn thấy tương lai, tôi sẽ giúp nó nhanh chóng kết thúc trước cả khi nó kịp bắt đầu. Trước khi có bất cứ ai bị tổn thương, tôi hay người khác. 

"Kéo và thả" cho người ta cái cảm giác rằng, mọi thứ mất đi đều có thể lấy lại, mọi xáo trộn đều có thể cân bằng, mọi thay đổi đều có thể hoàn nguyên nếu muốn. Cuộc sống thì không như thế. Tôi không thể đặt một cậu bạn lên làm người yêu, rồi 5' sau trả cậu ấy về vị trí là bạn như cách tôi hoán đổi 2 module New York Times và Bloomberg. Trên thực tế, có thể chúng tôi vẫn tiếp tục là bạn - trong tương lai, nhưng mãi mãi không thể như cũ được nữa. Tôi và cậu bạn thân thường đùa nhau: Giá không phải là bạn học, tôi với ông sẽ là một cặp hoàn hảo. Cái gì đùa thì không phải là thật, chúng tôi đều hiểu điều đó. Những ranh giới không tự nhiên sinh ra, và do đó, không tự nhiên mất đi.

Đó cũng là lý do mà cái tôi lý trí không ngừng trách móc, thậm chí rủa sả cái tôi cảm tính, vì nó cứ mãi vương vít không nỡ đặt xuống những cái nó đã lỡ nâng niu gắn bó quá lâu. 

Biết đâu đấy, đó cũng là một trong những lý do khiến Google+ đang thua. Khi người dùng nhận ra những cái vòng quá đơn giản kia hóa ra lại làm phức tạp cuộc sống của họ, bởi mỗi lần share bất cứ thứ gì, họ lại buộc phải nhớ xem họ đã "kéo và thả" ai đó vào chính xác những vòng nào. Họ trở nên hỗn loạn và mơ hồ trong mớ bòng bong những mối quan hệ của chính mình, chỉ vì việc thiết lập chúng... quá đơn giản, dễ dàng.

Một ngày ngẫu nhiên, tôi share trên Facebook câu status: "Đòi uống café, rồi lại nhăn mặt khi café đắng." 

Thầy giáo của tôi vào comment: "Đòi tự do, rồi không biết dùng tự do để làm gì."

Chắc hẳn các thầy đã nghĩ như thế, khi tôi thấy mình không còn hứng thú theo đuổi con đường trở thành giảng viên hay nhà nghiên cứu.

Có khi thế thật! Càng tự do, con người càng mơ hồ về chính mình. 

Anyway, để cảm nhận được điều đó, tôi phải được tự do cái đã!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Truyện cười] Tín dụng

Tháng 8. Mưa. Ở một thị trấn nhỏ đìu hiu bên bờ Biển Đen. Đó là một giai đoạn khó khăn, ai cũng nợ nần và phải mua vay bán chịu (*). Bỗng đâu, một du khách giàu có tìm đến. Ông bước vào khách sạn duy nhất của thị trấn, đặt 100 Euro lên bàn lễ tân và lên gác chọn phòng.

Cha thì sao, mẹ thì sao?

Tôi đã nghĩ như thế đấy, và bây giờ, tôi lại càng tin chắc như thế đấy: Cha mẹ nghĩ mình là ai mà có quyền bắt con cái phải chịu ơn họ ngay khi chúng được sinh ra trên đời?!

Thi và sĩ

Ngày xưa các cụ còng lưng học, rồi ngoáy một bài văn trong vài canh giờ để chọn hiền tài. Chữ "sĩ" (người có học) thêm một bộ nhân đứng thì thành "sĩ" trong xuất sĩ, làm quan. "Có chữ" tức là có học, "văn hay chữ tốt" tức là có tài, mà có tài thì phải ra kinh bang tế thế, mặc dù cái tài với cái lĩnh vực kinh bang có khi chả liên hệ tẹo nào. Có ông quan được khen là hiền, cả đời xuất sĩ chả làm gì, chỉ làm... thơ. Thôi thế cũng còn may, chứ ông đi xây đập Sông Tranh version trung đại thì đúng là thảm cho đời sau lắm. Di chứng lịch sử để lại là ở cái xứ Nam quốc này, những ông có dính tí "sĩ" chưa nhân đứng, hay nói cách khác, các nhân vật có chữ mà thời nay ta gọi bằng "trí thức", mười ông thì hết chín đều tin mình có tài năng thiên bẩm về chính trị.