Chuyển đến nội dung chính

Xin hãy trả cây roi cho các thầy cô giáo!

Trách nhiệm luôn phải đi đôi với quyền hạn; đừng bắt bất cứ ai phải chịu trách nhiệm với những điều họ không có quyền hạn can thiệp và giải quyết. Có nghĩa là, nếu các vị đã cho rằng, cần để cho trẻ con làm những gì chúng muốn, thì khi xảy ra chuyện, cũng đừng đổ hết lỗi lên đầu thầy cô, những người làm công, ăn lương và chỉ có quyền dạy dỗ con em các vị khi được các vị đồng ý. 

Thời gian gần đây, báo chí trong nước liên tục đưa tin về những vụ bạo lực học đường, trên cả 2 phương diện: giữa học trò với nhau và giữa thầy cô giáo với học trò. 

Đối với các vụ bạo lực học đường giữa học sinh với nhau, hầu như dư luận đều chĩa mũi nhọn về phía nhà trường, lên án các thầy cô đã không tích cực dạy bảo, không quan tâm sát sao, không giáo dục đạo đức, giáo dục hành vi, không coi học trò như con cái trong nhà để dạy dỗ bằng tấm lòng mình… 

Đặc biệt, một số rất lớn cho rằng thế hệ 9x bây giờ đã không được hưởng một sự giáo dục tốt như xưa, rằng giáo dục giờ đây đang xuống cấp nghiêm trọng. Xuống cấp, có nghĩa là khẳng định đã có sự suy thoái, khẳng định rằng “nay không bằng xưa”. Mà như vậy cũng có nghĩa là, cần khôi phục lại như cũ, trước khi muốn có bất cứ bước phát triển tiếp theo nào!

Thế nhưng, khi bước sang vấn đề giáo dục học trò, thì dường như lại xuất hiện mâu thuẫn: trong khi muốn có được những thế hệ học trò “tôn sư trọng đạo” như xưa, chúng ta lại cũng muốn có những thầy cô theo lối phương Tây, bình đẳng với học trò, coi học trò như bạn, không mắng, không đánh, không phạt. Điều này dường như được đa số phụ huynh tự cho là có tư tưởng “mới” hưởng ứng, với lập luận rằng thời đại đã thay đổi, và những “ông trời con” của họ xứng đáng được thụ hưởng một nền giáo dục kiểu mới. Nhân sự kiện cô giáo trường NVB đánh học trò mới “nóng” dư luận gần đây, tôi nhận thấy quan điểm này có nhiều bất cập:

Thứ nhất, những hình ảnh báo động về đạo đức 9x gần đây không đại diện cho số đông, nhưng nó nói lên rằng ở nhiều nơi, đang có sự buông lỏng đối với các em. Cha mẹ buông lỏng, thầy cô buông lỏng, để các em tự do chạy theo những sở thích, những suy nghĩ nhiều khi rất lệch lạc của tuổi mới lớn, đặc biệt là thói “thích thể hiện” bằng mọi cách, kể cả việc trốn học, đua đòi ăn chơi, học đòi “anh chị”…

Xin đừng bao biện rằng có những học sinh được giáo dục nghiêm khắc nhưng vẫn hư hỏng: tôi khẳng định hiện tượng đó có tồn tại, nhưng chỉ là số rất, rất ít, chứ tuyệt đại đa số con em chúng ta, một khi đã được giáo dục đầy đủ, nghiêm khắc, thì rất khó phạm lỗi, chứ đừng nói là hư hỏng. Nhưng với những đứa trẻ đang lớn, bản năng “thích tỏ ra người lớn” đang trỗi dậy, nhiều khi rất bướng bỉnh, bảo thủ, bạn nghĩ rằng có thể khiến chúng không làm theo ý mình chỉ bằng cách khuyên bảo và nhắc nhở sao? Nếu có ai dám khẳng định điều đó, tôi dám chắc rằng hoặc người đó may mắn có đứa con nặn bằng bột, hoặc người đó chưa từng phải dạy một đứa con tuổi mới lớn!

Những biện pháp giáo dục như của cô Đ., dĩ nhiên, chẳng ai muốn hưởng ứng, là một người mẹ, tôi cũng chẳng vui gì khi nghe nói con mình bị cô giáo đánh, nhưng xin lỗi, với một số đứa trẻ, người ta không thể ngồi chờ cho chúng tự hiểu ra chân lý, mà trước hết phải bắt chúng vào khuôn khổ đã! Trẻ con phải biết sợ khi ở trường, thì mới biết tiết chế hành vi của mình khi ra đường. Nếu con cái mình hư hỏng, tôi thà để nhà trường và thầy cô dạy dỗ nó, còn hơn để “trường đời” dạy nó, bởi những bài học của “trường đời” luôn cay đắng và tàn nhẫn, nó không hướng con người biết nghe theo kỉ cương, pháp luật, mà chỉ tạo cho họ niềm tin vào “luật rừng”, “luật đời” mà thôi.

Thứ hai, thật quá sai lầm khi cho rằng phải theo phương pháp giáo dục của các nước Âu, Mỹ mới là hay, là tiến bộ. Tư tưởng này ở đâu ra? Chẳng phải vì cái gì cao xa, chính là vì thấy các nước Âu, Mỹ phát triển, đời sống cao, chúng ta lập tức hoa mắt, và nghĩ cái gì cũng phải giống họ thì mới là phát triển, mà giáo dục cũng không ngoại lệ. Nhưng những quan điểm đó, tưởng nhìn xa (sang tận bên kia đại dương), mà hóa ra lại rất thiển cận. Thiển cận, vì không ý thức rằng, giáo dục mang đặc thù văn hóa, mà văn hóa phương Đông và phương Tây có sự khác biệt rất lớn.

Nói đến phát triển, không cần nhìn đâu xa, hãy nhìn ngay các nước trong khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc - những nước gần như bình đẳng với chúng ta về diện tích và dân số. Bao lâu nữa chúng ta mới đạt được trình độ phát triển như họ, có một nền công nghiệp như họ, cơ sở hạ tầng, tổng thu nhập quốc dân, thu nhập bình quân đầu người và phúc lợi xã hội như của họ? Thế nhưng, hãy so sánh: con em chúng ta có tự nguyện đứng nghiêm để chào thầy cô một cách tử tế chưa, chứ đừng nói cúi gập người chào như học sinh của họ? Con em chúng ta có tự nguyện mặc đồng phục, đeo biển tên không, hay luôn chỉ thực hiện lấy lệ để khỏi phiền phức với xung kích và giám thị? Họ không thông minh, không “mở cửa” bằng chúng ta, nên không biết đến cái hay, cái đẹp của nền giáo dục dân chủ phương Tây sao? Hay họ đã sớm nhìn thấy những mặt trái, và nghĩ đến việc tránh cho con em mình khỏi những mặt trái đó, trong khi chúng ta còn đang hoa mắt vì mơ tưởng???

Xin các vị phụ huynh hãy nói một câu thật lòng: các vị thích những đứa con mặc đồng phục đến trường, hay thích nhìn chúng mặc quần cộc, áo 2 dây, khuyên rốn, khuyên lưỡi, tóc tai bù xù như các siêu sao nhạc rock và thản nhiên hôn nhau trong lớp? Nếu bản thân các vị cũng cảm thấy những điều ấy tuy không xấu, nhưng không phù hợp, thì xin lỗi, nhưng đó chính là điều mà phương pháp giáo dục kiểu phương Tây các vị đang cổ xúy sẽ đem đến cho con em các vị, không chóng thì chầy! Mà cái xấu thì thường lan nhanh hơn cái tốt, chỉ sợ dân chủ, sáng tạo chưa thấy đâu, con em chúng ta đã mang vào mình lối sống ích kỉ, cá nhân, tư tưởng hưởng thụ vô tội vạ.

Tất nhiên, như đã nói, tôi không cổ xúy cho hành động đánh mắng học trò, tôi cũng không điên đến mức muốn con cái mình bị thầy cô lăng nhục, ngược đãi như một vài trường hợp mà báo chí đã đưa tin. Nhưng trong một giới hạn nhất định, thầy cô phải có quyền trách phạt học trò, kể cả bằng những biện pháp nghiêm khắc, và theo tôi chẳng có gì đáng lên án nếu một cái bạt tai, một cái quật thước hay véo tai có thể đưa những đứa trẻ vào khuôn khổ.

Và cuối cùng, xin các vị hãy công bằng và nhất quán một chút: trách nhiệm luôn phải đi đôi với quyền hạn; đừng bắt bất cứ ai phải chịu trách nhiệm với những điều họ không có quyền hạn can thiệp và giải quyết. Có nghĩa là, nếu các vị đã cho rằng, cần để cho trẻ con làm những gì chúng muốn, thì khi xảy ra chuyện, cũng đừng đổ hết lỗi lên đầu thầy cô, những người làm công, ăn lương và chỉ có quyền dạy dỗ con em các vị khi được các vị đồng ý. Còn nếu các vị thực sự cho rằng giáo dục đạo đức đang đi xuống, học trò đang bị buông lỏng, thì xin đừng quá nuông chiều, quá bênh vực con em mình; hãy trả cho các thầy cô giáo cây roi mây, như họ đã từng có trong suốt chiều dài lịch sử, để cùng với quyền hạn, họ nhận thức được trách nhiệm coi những đứa trẻ ở trường như chính con cái của mình, và dạy dỗ chúng với tất cả sự nhiệt tình.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Truyện cười] Tín dụng

Tháng 8. Mưa. Ở một thị trấn nhỏ đìu hiu bên bờ Biển Đen. Đó là một giai đoạn khó khăn, ai cũng nợ nần và phải mua vay bán chịu (*). Bỗng đâu, một du khách giàu có tìm đến. Ông bước vào khách sạn duy nhất của thị trấn, đặt 100 Euro lên bàn lễ tân và lên gác chọn phòng.

Cha thì sao, mẹ thì sao?

Tôi đã nghĩ như thế đấy, và bây giờ, tôi lại càng tin chắc như thế đấy: Cha mẹ nghĩ mình là ai mà có quyền bắt con cái phải chịu ơn họ ngay khi chúng được sinh ra trên đời?!

Thi và sĩ

Ngày xưa các cụ còng lưng học, rồi ngoáy một bài văn trong vài canh giờ để chọn hiền tài. Chữ "sĩ" (người có học) thêm một bộ nhân đứng thì thành "sĩ" trong xuất sĩ, làm quan. "Có chữ" tức là có học, "văn hay chữ tốt" tức là có tài, mà có tài thì phải ra kinh bang tế thế, mặc dù cái tài với cái lĩnh vực kinh bang có khi chả liên hệ tẹo nào. Có ông quan được khen là hiền, cả đời xuất sĩ chả làm gì, chỉ làm... thơ. Thôi thế cũng còn may, chứ ông đi xây đập Sông Tranh version trung đại thì đúng là thảm cho đời sau lắm. Di chứng lịch sử để lại là ở cái xứ Nam quốc này, những ông có dính tí "sĩ" chưa nhân đứng, hay nói cách khác, các nhân vật có chữ mà thời nay ta gọi bằng "trí thức", mười ông thì hết chín đều tin mình có tài năng thiên bẩm về chính trị.