Chuyển đến nội dung chính

5 sự bất lực của ngọn roi

Thời gian gần đây, báo chí đã nói quá nhiều về bạo lực học đường - những vụ kinh hoàng giữa học sinh với nhau, và cả những vụ giữa thầy cô giáo với học sinh. Điều khá bất ngờ là, có không ít phụ huynh đã lên tiếng ủng hộ thầy cô dùng cây roi ở một mức độ nhất định, như một phương pháp răn đe cần thiết đối với những học sinh khó bảo. Và “lý lẽ của ngọn roi” thì không yếu chút nào!

Tuy nhiên, từ góc độ một người trung lập, tôi rất lấy làm tiếc phải nói rằng, có ít nhất 5 sự thật sẽ làm cho “lý thuyết ngọn roi” hùng mạnh đó phải bất lực!

1. Cây roi có làm cho trẻ con biết sợ?

Tôi không phản đối ý kiến cho rằng trẻ con nên biết sợ- biết những giới hạn mà chúng không thể được phép vượt qua, những người mà chúng cần phải đặc biệt tôn trọng. Nhưng bạn cho rằng có thể làm trẻ con biết sợ bằng cách đánh chúng?

Bạn đã bao giờ thấy những đứa trẻ bị gọi là “dạn đòn”? Trong đa số trường hợp, chính đòn roi đã tạo ra những đứa trẻ như thế: gan lì, không biết sợ, trơ về cảm xúc và liều bạt mạng. Và không loại trừ có những đứa trẻ “liều” như thế từ trong bản chất. Đã là bản chất, thì không thể thay đổi; càng đánh, chúng sẽ chỉ càng lì đòn hơn mà thôi.

Những đứa trẻ biết sợ đòn roi, tức là tâm hồn chúng còn yếu đuối, không đến mức quá lì lợm, khó bảo. Nhưng với những đứa trẻ như vậy – tức là những đứa trẻ có khả năng bảo được, tại sao lại phải dùng đến đòn roi, mà không phải là một biện pháp nào đó khác, nhẹ nhàng hơn? Có phải bởi vì chính người lớn ích kỉ, muốn nhanh, muốn thấy kết quả ngay, nên đã cố tình biến nỗi sợ của con trẻ thành một ám ảnh mang hình ngọn roi, để bản thân có được cái khoái cảm cứ giơ roi lên là con trẻ nghe lời răm rắp?

Nhưng “già néo đứt dây”, nhiều bậc phụ huynh không biết rằng chính cây roi của họ đã biến những đứa trẻ biết sợ thành những đứa trẻ lì đòn, cũng như các thầy cô không biết chính những lời mắng mỏ, xúc phạm quá mức và quá thường xuyên của họ khiến cho học sinh “miễn dịch” với việc bị phê bình trước lớp!

2. “Biết sợ” có phải là biết nghe lời?

Cứ cho rằng, ngọn roi làm cho một số lượng lớn trẻ con biết sợ, thì cũng quá sai lầm nếu cho rằng “sợ” là điều cần thiết để trẻ nghe lời. Tất nhiên, có nhiều câu chuyện cảm động về những cái tát của cha mẹ, thầy cô đã khiến ai đó tỉnh ngộ và nên người. Nhưng sai lầm bản chất chính là ở chỗ này: Điều làm thức tỉnh người con, người học trò trong những câu chuyện đó, thực chất chính là nhân cách, tình cảm của người cha, người thầy đằng sau cái tát, chứ không phải là bản thân cái tát, như ai đó ngộ nhận.

Có 2 trạng thái “sợ” và “nể”. Khi bạn làm cho ai đó “sợ”, họ sẽ không dám phản ứng trước mặt, nhưng không có gì đảm bảo sau lưng bạn, họ không ngấm ngầm phản ứng, bởi vì từ sâu trong lòng, họ không phục, họ cảm thấy bị ép buộc, đàn áp. Đối với con trẻ cũng vậy: rất nhiều đứa trẻ có mẹ nghiêm khắc, có cha dữ đòn, ở nhà rất khuôn phép, gọi dạ bảo vâng, nhưng lại tìm chỗ trút những uẩn ức vì bị đè nén ở bên ngoài, trở thành những đàn anh đàn chị, những tay chơi bạt mạng mà bố mẹ không hề hay biết!

Nếu bạn không làm cho chúng nể phục, để chúng cảm thấy nhu cầu tự nguyện nghe lời, thì dù có làm cho chúng sợ đến đâu, đến thành nỗi ám ảnh, đến mức nhìn thấy bố mẹ là run như cầy sấy, cũng chỉ là vô nghĩa mà thôi!

3. Bạo lực là cách giải quyết vấn đề nhanh nhất?

Dù có nói ra hay không, thì việc bạn đề cao vai trò của ngọn roi trong việc dạy con cũng có nghĩa là thừa nhận tác dụng của bạo lực trong việc bắt người khác phải làm theo ý mình – trong trường hợp này, là khiến con trẻ phải nghe theo bạn một cách nhanh chóng và vô điều kiện.

Tôi tự hỏi, sao bạn lại thắc mắc, ngạc nhiên, sửng sốt, kinh hoàng khi chứng kiến những clip nữ sinh đánh bạn? Chẳng phải chính bạn và các thầy cô giáo đã dạy chúng đấy sao: bạo lực là cách giải quyết vấn đề nhanh nhất!

Ứng xử giữa con người với nhau là một chuỗi lựa chọn. Và mỗi lựa chọn như thế của cha mẹ, thầy cô, sẽ gây ấn tượng cho con trẻ gấp ngàn lần những lời dạy, bài giảng được thiết kế cho chúng. Vì sao ư? Vì chúng không thể nhìn thấy kết quả của những bài giảng lý thuyết kia, nhưng tự chúng đã trải nghiệm cây roi của bố mẹ bắt chúng phải nghe lời một cách dễ dàng như thế nào!

4. Như học trò thời xưa mới là ngoan?

Tôi được nghe ý kiến rằng: ngày xưa, học trò ngoan hơn bây giờ, chính vì các ông đồ đã sử dụng cây roi của mình một cách đắc sách.

Quá nhầm! Bản thân cây roi không có quyền lực, mà chính thời đại đã trao quyền lực cho nó. Ông đồ oai phong với ngọn roi, nhưng cây roi không tạo ra ông đồ, càng không tạo ra quyền uy của người thầy. Cả một hệ thống tư tưởng, đạo đức truyền thống đã đè người học trò nằm sấp xuống để thầy quất roi vun vút xuống lưng; cả mấy ngàn năm lễ nghĩa, luân thường đã khiến cánh tay người học trò không dám vung lên giằng lấy cây roi của thầy, như một phản xạ tự nhiên nhất của con người khi có điều đe dọa đến bản thân.

Là người may mắn được thấm nhuần nền giáo dục lễ - nghĩa đó, tôi hiểu được tính tích cực của nó, nhưng cũng hiểu những hạn chế của nó. Hạn chế, vì nó quá rõ ràng, chặt chẽ đến mức quy tất cả những tình cảm luân lý ra những biểu hiện bề ngoài, và tạo cho người ta cảm giác có thể nhìn từ bề ngoài để đánh giá bản chất. Vì thế mà có Lục Vân Tiên thì cũng có những Trịnh Hâm, Bùi Kiệm.

Chế độ phong kiến qua đi, không phải vì cá nhân ai đó ghét bỏ nó, mà vì đến lúc nó bị thời đại đào thải. Đừng vì học trò ngày nay không biết chắp tay vái lạy mà bảo chúng không lễ phép bằng xưa. Chúng cần phải bớt đi những khuôn phép ràng buộc để bùng nổ, để sáng tạo và vượt lên chúng ta ngày trước. Thế hệ ngày nay có những điểm không bằng, thì cũng có những điểm hơn hẳn thế hệ trước. Thời đại đã thay đổi. Thời đại không còn trao quyền lực vào ngọn roi. Quan không được sai dân bằng ngọn roi, đến chủ cũng không còn được sai vật nuôi bằng ngọn roi. Vậy thì chẳng có lý gì để vẫn cứ tiếp tục bênh vực cho cái ngọn roi ông đồ đã không còn sánh cùng thời đại, để khập khiễng đứng một chân trong hiện tại, một chân trong quá khứ!

5. Giới hạn dành cho người lớn

Chắc rằng, đến đây, nhiều người sẽ viện lý lẽ cuối cùng: chúng tôi không ủng hộ đòn roi theo kiểu ngược đãi, xâm phạm thân thể trẻ em một cách nghiêm trọng, chúng tôi chỉ ủng hộ sự trừng phạt ở mức độ vừa phải và hợp lý mà thôi.

Nhưng, thế nào là “vừa phải và hợp lý”?

Xin đơn cử trường hợp cô giáo Đ. tát 20 học sinh mà nhiều người đã bênh vực: những ý kiến học trò cũ cô Đ. cho rằng cô tát không đau, không ác ý, nên không có gì đáng phản đối và lên án. Vậy xin hỏi các vị: nếu cô giáo tát không đau, thì cô tát để làm gì? Nếu để học sinh sợ, thì những học sinh biết sợ cái tát “không đau” của cô giáo, có phải là những đứa trẻ quá hư hỏng, cá biệt như mọi người đánh giá hay không? Nếu để học sinh xấu hổ với các bạn, thì xin nhìn lại tình huống: cô giáo gọi một lúc 20 học sinh lên để tát; như vậy, mỗi em cũng có đến 19 người “đồng cảnh ngộ”, ý thức bầy đàn được cổ vũ, các em có còn thấy ngượng, thấy xấu hổ nữa không? Lối suy nghĩ “xấu đều còn hơn tốt lỏi” ở Việt Nam mình còn in sâu lắm! Đó là chưa kể, nếu cái tát không đau – như một số người nói – thì đó đúng là một trò đùa, và khỏi cần nói, ai cũng hình dung ra những điều chướng tai mà các em trao đổi với nhau sau đó! Còn nếu tát đau, thì chối cãi thế nào được nữa, rõ ràng cô giáo đã xâm phạm thân thể các em, và đó là điều không được chấp nhận trong môi trường giáo dục.

Hãy cho tôi một con số cụ thể, thế nào thì được coi là “vừa phải”? Lực đánh bao nhiêu newton, góc đánh bao nhiêu độ, mức độ tổn thương bao nhiêu phần trăm? Làm thế nào để kiểm soát những vụ “quá mù ra mưa”, để không có những Quảng Thị Kim Hoa, không có thầy giáo bắt học sinh liếm ghế, đánh học sinh chảy máu mũi máu mồm? Có lẽ, do thói quen của người Việt Nam, chúng ta lúng túng giữa giới hạn “có” hoặc “không”, và có xu hướng chọn mức “vừa vừa”: không đánh thì không được, thôi thì đánh một chút, đánh vừa phải. Nhưng xin lỗi, không có cái gọi là “đánh vừa phải”, cũng như không có chuyện ăn cắp nhỏ thì bỏ qua, tham nhũng ít thì vô tội, buôn ma túy lần đầu thì tha bổng…, những điều đó phải hết sức rạch ròi trong một xã hội văn minh. Cái “tình” muốn được “hợp tình”, trước hết nó phải có lý đi đã. Đó không phải là chạy theo tư tưởng của các nước Âu Mỹ, không phải là “sùng ngoại”. Đó là những giá trị tiến bộ chung của cả nhân loại.
Cuối cùng, tôi xin thừa nhận mình chưa đưa ra được kiến giải nào cụ thể, và vì thế, tôi, cũng như những bài học về tâm lý giáo dục, sẽ không có tính thuyết phục như cái ngọn roi đầy sức mạnh kia. Nhưng nếu như thực sự cầu thị, hẳn các vị sẽ đồng ý với tôi là: thật vô lý khi đem những hệ quả từ cái bất lực của người lớn, cái bất cập  trút lên đầu những đứa trẻ. Chẳng lẽ tôi lại phải giải thích với con cái mình rằng: Con à, vì bố mẹ chưa tìm ra cách nào khác văn minh và hiệu quả hơn, tạm thời con hãy cứ chịu ăn đòn đi đã!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Truyện cười] Tín dụng

Tháng 8. Mưa. Ở một thị trấn nhỏ đìu hiu bên bờ Biển Đen. Đó là một giai đoạn khó khăn, ai cũng nợ nần và phải mua vay bán chịu (*). Bỗng đâu, một du khách giàu có tìm đến. Ông bước vào khách sạn duy nhất của thị trấn, đặt 100 Euro lên bàn lễ tân và lên gác chọn phòng.

Cha thì sao, mẹ thì sao?

Tôi đã nghĩ như thế đấy, và bây giờ, tôi lại càng tin chắc như thế đấy: Cha mẹ nghĩ mình là ai mà có quyền bắt con cái phải chịu ơn họ ngay khi chúng được sinh ra trên đời?!

Gái Hà Nội (2)

Thời thơ ấu của bố trôi qua nói chung yên bình như tất cả lũ trẻ con phố Hàng khác; hoặc giả trong những cái đầu thơ trẻ, bình yên là dù có bom rơi đạn lạc hay tay uỷ ban từng là ông bán cháo lòng thì cây bàng đầu phố quả vẫn cứ rơi lộp bộp trong bài văn của chúng.