Chuyển đến nội dung chính

Mất mát chỉ là những con số, cho đến khi nó mang dáng hình một nỗi đau :)

Trong cái list dài dằng dặc hàng ngàn nỗi sợ mang tính ám ảnh (phobia), tôi không rõ có nỗi sợ nào mang tên sợ gọi taxi vào những ngày mưa gió. Nếu chưa có, chắc tôi sẽ là người đầu tiên.


Nỗi sợ bắt đầu vào mùa hè 2012, khi tôi vào mạng và bắt gặp tin một tài xế Mai Linh vừa bị cây đè chết ở phố Lò Đúc, trên đường đi đón khách. Cần nói thêm rằng, là một đứa sống về lí trí nhiều hơn, cộng với đặc thù ngành học cũng như công việc khiến tôi không quá nhạy cảm với những thông tin chết chóc. Thế nhưng cái chết kia đã lập tức xoắn tít trong não tôi và khiến tôi luẩn quẩn cả ngày với ý nghĩ: Sẽ ra sao nếu người khách biết được có một tài xế đã chết vì cuộc gọi của mình?

Chắc là sẽ không ám ảnh đến thế, nếu Lò Đúc không phải tuyến đường tôi hay đi, gọi taxi không phải thói quen của tôi đặc biệt trong những ngày mưa và Mai Linh không phải hãng taxi duy nhất mà tôi giữ số. Nói cách khác, có thể chính người tài xế kia đã từng đưa đón tôi qua chính tuyến đường này, trong một ngày mưa như thế này, và nếu hôm đó có việc ra khỏi nhà, hung thủ gián tiếp đó hẳn đã chính là tôi.

Từ hôm đó, tôi không dám gọi taxi trong những ngày mưa bão thêm một lần nào nữa.

Nỗi sợ, cũng giống như sự cảm thông: bạn không thể thực sự cảm nhận nếu không tìm thấy chính mình trong đó. Trong bài học sơ đẳng về lựa chọn đề tài, những người làm báo đều biết rằng, độc giả sẽ có xu hướng quan tâm đến những gì gần gũi với họ, về địa lí, về văn hoá, về hoàn cảnh, về bất cứ khía cạnh nào khiến họ và các nhân vật trong câu chuyện có nhiều điểm chung hơn là hai chữ "loài người".


15.854 người thiệt mạng trong trận động đất sóng thần Nhật Bản 2011 có thể là một con số bàng hoàng. Nhưng tôi chỉ thực sự xót xa khi nhìn bức ảnh này, và chợt nhận ra đã vĩnh viễn mất một cô bé thường đặt tay trên phím đàn, ngập ngừng những nốt đồ rê mi, con chim ri..., như chính mình hồi nhỏ xíu.

Con số 87.000 người chết và mất tích trong đại địa chấn Tứ Xuyên 2008 có thể khiến cả thế giới kinh hãi; nhưng sẽ khác hẳn nếu bạn nghe tiếng hát nghẹn ngào này của một người mẹ: "Bé thơ không mẹ như ngọn cỏ non tơ bé mọn - Hạnh phúc biết tìm đâu..."



Có điểm gì khác giữa 239 người trên chiếc MH370 với 228 người trên chiếc Air France 447 năm 2009? Ngoài việc mạng xã hội chưa phát triển như bây giờ thì Đại Tây Dương hẳn cũng xa xôi hơn, không có người Việt nào trên khoang và hành trình từ Brazil đến Pháp cũng khiến thuyết âm mưu ít cơ hội nảy nở hơn... Thế mà, thú thực rằng tôi chưa thực sự cảm nhận MH370 là cái gì ghê gớm, cho đến khi nhìn thấy post này:



Kể từ phút ấy, tôi biết nỗi đau MH370 đã ở trong mình, tuyệt nhiên không cần gượng ép bằng thứ tình thương nhân loại bao la nào đó. Bạn có thể thấy nhố nhăng, có thể thấy buồn cười. Không sao, vì bạn không có sự đồng cảm như giữa tôi và cô bé đó.

Nỗi đau, đó là cái đánh trực diện vào cảm xúc của người ta, không đi qua lớp lọc duy lí. Chẳng có gì lạ khi một Steve Jobs được sùng kính ra đi lại khiến nhân loại tốn nhiều nước mắt hơn chuyện 2 triệu đứa trẻ ở Sừng Châu Phi chết đói. Và biết là bất nhẫn, nhưng cũng chưa hẳn bất công khi 300 người trên chiếc MH17 lại được quan tâm hơn 300 người chết ở Palestine cùng thời điểm: bất cứ ai cũng có thể hình dung chính mình và người thân của mình trên một chiếc máy bay, thay vì trên một mảnh đất Gaza xa xôi nào đó.

Tôi nghĩ, cảm xúc không phải điều gì có thể cưỡng ép được và không bao giờ đáng trách. Trong sự yêu thương hay thương xót, đừng đòi hỏi công bằng. Thế giới được gắn kết không phải bởi sự công bằng duy lí, mà bởi những câu chuyện sẽ được kể. Đủ để tôi tin, nỗi đau ấy có phần tôi.

Này em, thế giới thật bấp bênh.

Thế giới nhỏ đi khi một người xa lạ mất đi. Như em. Như tôi. Như bất kì ai khác.

No man is an island,
Entire of itself.
Each is a piece of the continent,
A part of the main.
If a clod be washed away by the sea,
Europe is the less.
As well as if a promontory were.
As well as if a manor of thine own
Or of thine friend's were.
Each man's death diminishes me,
For I am involved in mankind.
Therefore, send not to know
For whom the bell tolls,
It tolls for thee. (*)


Mất mát chỉ là những con số.

Cho đến khi nó mang dáng hình một nỗi đau.



(*) John Donne, For whom the bell tolls.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Truyện cười] Tín dụng

Tháng 8. Mưa. Ở một thị trấn nhỏ đìu hiu bên bờ Biển Đen. Đó là một giai đoạn khó khăn, ai cũng nợ nần và phải mua vay bán chịu (*). Bỗng đâu, một du khách giàu có tìm đến. Ông bước vào khách sạn duy nhất của thị trấn, đặt 100 Euro lên bàn lễ tân và lên gác chọn phòng.

Cha thì sao, mẹ thì sao?

Tôi đã nghĩ như thế đấy, và bây giờ, tôi lại càng tin chắc như thế đấy: Cha mẹ nghĩ mình là ai mà có quyền bắt con cái phải chịu ơn họ ngay khi chúng được sinh ra trên đời?!

Gái Hà Nội (2)

Thời thơ ấu của bố trôi qua nói chung yên bình như tất cả lũ trẻ con phố Hàng khác; hoặc giả trong những cái đầu thơ trẻ, bình yên là dù có bom rơi đạn lạc hay tay uỷ ban từng là ông bán cháo lòng thì cây bàng đầu phố quả vẫn cứ rơi lộp bộp trong bài văn của chúng.