Chuyển đến nội dung chính

Gái Hà Nội (2)

Thời thơ ấu của bố trôi qua nói chung yên bình như tất cả lũ trẻ con phố Hàng khác; hoặc giả trong những cái đầu thơ trẻ, bình yên là dù có bom rơi đạn lạc hay tay uỷ ban từng là ông bán cháo lòng thì cây bàng đầu phố quả vẫn cứ rơi lộp bộp trong bài văn của chúng. 

Sự cố vĩ đại nhất xảy ra vào năm lên 10, lúc người ta cho trẻ con làm bản tự khai để xin vào Đội. Trong khi các cháu khác đều con ngoan trò giỏi thiếu nhi mẫu mực thì chả hiểu do gen di truyền hay như nào mà giống hệt thiếu nhi con sau này, thiếu nhi bố tự dưng thấy ngượng tay nếu tự gióng cho mình toàn chuông vàng khánh ngọc. Phàm người, ai mà chả có tội lỗi? Dứt khoát là phải có tội lỗi. Nghĩ 15' hay nửa tiếng gì đó, thiếu nhi bố viết như sau: "Hôm nọ, đi học qua giàn mướp nhà hàng xóm thấy quả mướp non thò ra ngoài trông hay quá nên em có bẻ chơi. Như vậy là phá hoại tài sản, không biết quý trọng công sức của người lao động."

Trứ tác lừng danh được anh Tổng Phụ trách o bế nhiệt tình về tinh thần giai cấp tư sản ăn trên ngồi trốc, và nhờ vụ thật thà dũng cảm đó, thiếu nhi bố được delay vụ kết nạp xuống một (hay vài) đợt so với bạn bè.

Nói chung, cũng không có gì đáng quan ngại, như một tỉ thứ linh tinh xoè khác.

Nhưng đến cuối năm lớp 10 thì thanh niên bố đứng trước biến cố vĩ đại của đời người: Tốt nghiệp cấp 3. Nếu như nhiều bạn bè chỉ cần lựa chọn giữa đi làm hay tiếp tục học lên, thì bố, với cái tag lủng lẳng trong hồ sơ là con trai một tay chủ xưởng phố Kì Đồng, còn gián cách cổng trường đại học một năm cải tạo lao động nữa. Khi người ta mười bảy tuổi, rồi đột ngột thấy trước mặt mình một cánh cửa chắn ngang, rồi đột ngột hiểu ra rằng, cánh cửa ấy mới chỉ là bước đầu tiên dẫn tới con đường gập ghềnh dành riêng cho mình... Mười bảy tuổi, và nhận ra đôi khi người ta sẽ phải trả giá cho những cái tội không biết vì sao thành tội; và đôi khi bạn giỏi giang thế nào, tốt đẹp đến đâu không quyết định bạn là ai trong mắt người đối diện. Oan uổng và bất công, thứ cảm giác luôn quá sức chịu đựng của con người, nhất là khi người ta 17 tuổi, thừa năng lượng, thừa tự tin để nghĩ mình có thể phá bung hay san bằng tất cả...

Thanh niên bố không phá, không san, không khóc lóc hay thở than. Thanh niên bố bảo với cô bạn học, hoa khôi trường Bưởi và cũng là con nhà buôn bán, một câu kiểu kiểu như này: Em ạ, chúng mình ở bên nhau, đek có tương lai gì đâu.

Kể thế thôi, chứ tôi biết thừa cái bọn chúng ta, không còn ngốn nổi thứ tình hồn bướm mơ tiên, chưa từng thấm thía cái nhục, cái đau của thằng đàn ông phải thừa nhận không đủ khả năng che chở cho người mình yêu, thì hiểu thế đek nào được tâm trạng của thanh niên bố, khi nói ra lời ấy.

Gái trên đời có 2 loại: Sợ mình khổ và sợ làm người mình yêu khổ. Trong trường hợp này, cả 2 loại có chung một câu trả lời.

Và thế là họ chia tay. Bố lao vào xây dựng sự nghiệp từ 2 bàn tay, quyết không thèm đến cái cơ hội đổi nhóm đổi đời sau 1 năm cải tạo. Bác N., cô thiếu nữ Hà thành xinh đẹp, thì lựa chọn con đường đổi đời mà các cô gái muôn ngàn thế kỉ nay vẫn tin là dễ nhất: lấy chồng. Người mà bác lựa chọn, hay được chọn cho là con trai một gia đình cơ bản, có chức sắc trong ngành y. Và nhờ mối quan hệ đó, bác được sắp xếp để trở thành y tá.

Tôi chưa bao giờ có dịp hỏi xem, ai là người phụ nữ bố từng yêu nhất trong đời. Hẳn là bố rất yêu mẹ, nên mới quỳ xuống chân ông bà ngoại tôi để xin tha thứ, khi hai người chia tay lần thứ nhất. Hẳn là bố rất yêu mẹ, nên mới chọn mẹ làm điểm dừng sau thật nhiều những cuộc tình, khi vây quanh ông và những chiếc xe "cá xanh, cá vàng" đời mới nhất của ông là nhiều hot girl thời bấy giờ, trong đó có cả những nữ diễn viên nay đã được xếp vào hàng kinh điển.

Ở một khía cạnh có phần hơi "phản bội", tôi, con gái của mẹ, lại thầm mong trong lòng bố vẫn còn một góc nào đó dành riêng cho bác N. Cái cảm giác về một người đàn ông cả đời mang trong lòng một bóng hình, luôn có chút gì đó vừa ấm áp, vừa xót xa, vừa tin cậy. Huống chi, đó lại là những hoài niệm thời cấp 3 đẹp và trong veo đến thế, mà tôi thu lượm từng mảnh trong những câu chuyện người lớn nói với nhau, vừa thu nhặt vừa thử ghép vào đó những gương mặt người. Bác N., hẳn rất đẹp với mái tóc dài, nụ cười xinh, một chút e dè, một chút nên thơ, một chút láu lỉnh của những cô nữ sinh Hà Nội thời vừa giải phóng...

Nhưng, câu chuyện thực đầu tiên và trọn vẹn tôi được nghe về bác, thì trần trụi và cay đắng hơn nhiều. Cô y tá N. bị bắt quả tang hủ hoá với một bác sĩ ngay trong ca trực, ngay trong phòng vệ sinh của bệnh viện. Dì ruột tôi, một y sĩ, người được giao tham gia xử lí vụ này, đã rơi nước mắt khi bác N. bật khóc: "Tôi có đến nỗi nào, mà mỗi lần vợ chồng gần gũi nhau, ông ấy chỉ cởi một ống quần..."

Tôi chưa từng nghe thấy, ở bất cứ đâu, một người phụ nữ kể với giọng xót xa đến thế, về một người phụ nữ.

(To be continued...)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Truyện cười] Tín dụng

Tháng 8. Mưa. Ở một thị trấn nhỏ đìu hiu bên bờ Biển Đen. Đó là một giai đoạn khó khăn, ai cũng nợ nần và phải mua vay bán chịu (*). Bỗng đâu, một du khách giàu có tìm đến. Ông bước vào khách sạn duy nhất của thị trấn, đặt 100 Euro lên bàn lễ tân và lên gác chọn phòng.

Cha thì sao, mẹ thì sao?

Tôi đã nghĩ như thế đấy, và bây giờ, tôi lại càng tin chắc như thế đấy: Cha mẹ nghĩ mình là ai mà có quyền bắt con cái phải chịu ơn họ ngay khi chúng được sinh ra trên đời?!

Thi và sĩ

Ngày xưa các cụ còng lưng học, rồi ngoáy một bài văn trong vài canh giờ để chọn hiền tài. Chữ "sĩ" (người có học) thêm một bộ nhân đứng thì thành "sĩ" trong xuất sĩ, làm quan. "Có chữ" tức là có học, "văn hay chữ tốt" tức là có tài, mà có tài thì phải ra kinh bang tế thế, mặc dù cái tài với cái lĩnh vực kinh bang có khi chả liên hệ tẹo nào. Có ông quan được khen là hiền, cả đời xuất sĩ chả làm gì, chỉ làm... thơ. Thôi thế cũng còn may, chứ ông đi xây đập Sông Tranh version trung đại thì đúng là thảm cho đời sau lắm. Di chứng lịch sử để lại là ở cái xứ Nam quốc này, những ông có dính tí "sĩ" chưa nhân đứng, hay nói cách khác, các nhân vật có chữ mà thời nay ta gọi bằng "trí thức", mười ông thì hết chín đều tin mình có tài năng thiên bẩm về chính trị.