Chuyển đến nội dung chính

Cha thì sao, mẹ thì sao?

Tôi đã nghĩ như thế đấy, và bây giờ, tôi lại càng tin chắc như thế đấy: Cha mẹ nghĩ mình là ai mà có quyền bắt con cái phải chịu ơn họ ngay khi chúng được sinh ra trên đời?!

1. Sinh con là bản năng duy trì nòi giống của loài người, như cây cối ra hoa kết quả rồi nhả hạt xuống đất để mọc lên mầm cây mới. Gieo mầm sự sống, bảo thiêng liêng thì cũng rất thiêng liêng, bảo sinh học thì cũng thuần sinh học, và điều chắc chắn là không ai bắt cái hạt phải cảm ơn cái cây bao giờ.

2. Trừ thụ tinh ống nghiệm, còn thì sinh con là kết quả của have sex, và hầu hết loài người hiện đại chả mấy ai have sex chỉ đơn thuần nhằm mục đích sinh con. Bắt người khác phải cảm ơn cái việc ấy của mình, lại thêm một lần hài hước.

Đứa trẻ là hậu quả của một ông khách làng chơi đòi đi chân trần và một cô gái bán hoa thiếu hiểu biết, có cần phải cảm thấy việc nó được thành hình là thiêng liêng cao quý lắm không?

3. Cái quyền quan trọng nhất của con người, xét cho cùng là quyền được lựa chọn. Thế mà lựa chọn quan trọng nhất, lựa chọn mình có được sinh ra trên đời hay không, đứa trẻ lại không được quyền quyết định. 

Ảnh: Monique

Người ta có cả ngàn lí do để sinh ra một đứa trẻ: vì bản năng, vì thiên hạ ai cũng có con, vì muốn vợ chồng thêm gắn kết, vì muốn có người nương tựa tuổi già... Chưa kể những mưu toan úp sọt, ràng buộc đòi quyền lợi. Rặt những lí do ích kỉ. Để rồi người ta cứ thế cho ra đời những đứa trẻ có H, những đứa trẻ thiểu năng đau đớn tật nguyền vì chất độc da cam, những đứa trẻ sinh trên vỉa hè và lớn lên đầu phố...

Nếu bạn từng lặng người trước những đứa bé hơn một lần ao ước chúng chưa từng được sinh ra trên đời, thì hẳn bạn sẽ không bênh vực đến thế cho cái quyền muốn sinh bao nhiêu thì sinh, và sinh bởi ai tuỳ thích.

Bản thân cái việc muốn có một đứa con, cũng đã là vị kỉ rồi. Lí do duy nhất chính đáng để sinh ra một đứa trẻ là tin chắc rằng mình có đủ điều kiện tối thiểu để khiến cho cái sinh vật kia hạnh phúc. Còn ngược lại, bắt chúng phải chào đời không những không có công, mà còn là tội ác.

4. Có một sự phi logic khi cha mẹ được mặc nhiên chia làm 2 hạng, trong đó, trừ hạng phạm vào tội ác xấu xa (cha cưỡng con gái ruột, mẹ bán con lấy tiền nuôi bồ, bố mẹ đánh chết con đẻ...), thì còn lại đều là thần thánh, là công lao trời biển như núi Thái Sơn như nước trong nguồn gì gì đó.

Xin lỗi, đến cầm thú sinh con ra còn biết nuôi con, cha mẹ biết nuôi con thì cũng mới chỉ tương đương. Còn như sinh con ra với ý nghĩ trời sinh voi sinh cỏ, để nó tự bươn chải với đời, thậm chí trở thành gánh nặng cho xã hội thì thật, không bằng cầm thú.

Cha mẹ chỉ vĩ đại khi họ làm được những điều hơn mức người thường có thể làm. Chứ đừng tưởng cứ sinh con ra, nuôi cho nó ăn học trưởng thành là đã có thể xếp mình vào hạng A như thế.

5. Hồi tôi còn học tiểu học, tầm 93-94, mẹ tôi có giúp đỡ một người đàn bà câm đẻ con trên hè phố, mẹ của 4 hay 5 đứa trẻ xin ăn quanh công viên Thống Nhất. Cho đến một ngày mẹ con tôi tình cờ chứng kiến mẹ con họ giành ăn. Cảnh tượng ấy khủng khiếp đến nỗi nó ám ảnh tôi tới tận bây giờ, và sau lần ấy, mẹ không bao giờ dám dắt tôi ghé thăm bà ta nữa. Chắc là mẹ có tiếp tục giúp đỡ thêm một vài lần, cho đến khi được biết sự thật là bà chuyên "hợp tác" với các ông xích lô, xe ôm quanh đó, cho ra đời những đứa trẻ không nhà mà hầu hết sẽ được bán đi khi vừa cứng cáp.

Sự khác nhau giữa mẹ tôi và người đàn bà ấy là gì? Không phải mẹ thụ thai cao quý hơn, mang thai vất vả hơn. Không phải vì mẹ may mắn được ăn học và có điều kiện kinh tế tốt hơn. Mà vì trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, mẹ luôn nghĩ trước nhất phải làm sao để tốt cho chúng tôi, như một bản năng. Tôi yêu quý mẹ, không vì đạo đức hay ràng buộc máu mủ nào, mà vì mẹ xứng đáng được như thế, cho cái cách mẹ đã yêu thương.

Nếu sau này có làm mẹ trẻ con, tôi cũng sẽ không đòi hỏi ở chúng nghĩa vụ hiếu thuận hay phụng dưỡng. Tôi sẽ yêu thương chúng đủ để chúng yêu thương mình, như một bản năng.

6. Còn bây giờ, đứng trước đứa trẻ vô tội vừa bị thằng bố khốn kiếp của nó dùng điếu cày đánh chết, tôi lại nhớ đến bé Nhân Ái của tôi. Bé xíu xiu xinh quá với đôi má hồng, mà tôi vẫn ứa nước mắt mỗi ngày rằm ghé thăm em ở chùa Trấn Quốc. Tôi không đủ can đảm đưa hình ảnh của em lên đây, nếu muốn, bạn cứ Google, và rồi bạn cũng sẽ như tôi, bị ám ảnh bởi câu hỏi vì sao một sinh vật xinh đẹp đến thế lại bị bỏ rơi, để phải chết trong tức tưởi. 

Nếu em biết nói, em sẽ nói gì? Nói rằng người lớn xứng đáng được thứ tha, chỉ vì họ là cha, là mẹ?

Cha thì sao, mà mẹ đấy, thì sao?!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Truyện cười] Tín dụng

Tháng 8. Mưa. Ở một thị trấn nhỏ đìu hiu bên bờ Biển Đen. Đó là một giai đoạn khó khăn, ai cũng nợ nần và phải mua vay bán chịu (*). Bỗng đâu, một du khách giàu có tìm đến. Ông bước vào khách sạn duy nhất của thị trấn, đặt 100 Euro lên bàn lễ tân và lên gác chọn phòng.

Gái Hà Nội (2)

Thời thơ ấu của bố trôi qua nói chung yên bình như tất cả lũ trẻ con phố Hàng khác; hoặc giả trong những cái đầu thơ trẻ, bình yên là dù có bom rơi đạn lạc hay tay uỷ ban từng là ông bán cháo lòng thì cây bàng đầu phố quả vẫn cứ rơi lộp bộp trong bài văn của chúng.