Chuyển đến nội dung chính

Vinagame và thầy tôi, "giáo sư chư hầu"


Câu chuyện bắt đầu trở nên không thể chấp nhận nổi - với tôi - từ năm ngoái, khi một ngày lên mạng và đập vào mắt là tấm ảnh thầy giáo mình với dòng title: "Giáo sư chư hầu, nhơ để ngàn năm".

Là thầy tôi, thầy Nguyễn Thế Sự, người dạy chúng tôi môn dịch nói hồi đại học. Người thầy hiền nhất mà tôi từng học qua, hiền đến mức lũ sinh viên chúng tôi không nỡ quậy phá trong giờ của thầy. Người dạy chúng tôi biết nói tiếng Trung bằng thứ ngôn ngữ khiêm nhường một cách tự tin và kiêu hãnh của nhà ngoại giao. Người vẫn đôi khi tự hào nhắc đến đứa con trai đang công tác trong Bộ Ngoại giao mình. Trong kí ức tôi, tên người thầy ấy gắn với hình ảnh cái đầu lơ thơ vài sợi tóc đã bạc, lắc lư nhấn nhá cụm từ "kanjie libei" (phân giới cắm mốc) với một vẻ trang trọng vô cùng.

Một người thầy như thế, hôm nay gắn mác "Việt gian", "giáo sư chư hầu", khiến tôi không khỏi bàng hoàng. Giữa trưa nắng, tôi cùng cô em khoá dưới chạy xuống nhà thầy dưới Hà Đông.

Ra là thế. Một ngày mưa gió ầm ầm, có cô học trò cũ dắt theo bạn sang thăm thầy. Đó là một phóng viên trẻ mới từ Trung Quốc sang, không biết tiếng Việt, muốn nhờ giới thiệu cho vài người có thể phỏng vấn. Theo thầy kể, thầy đã hướng dẫn cậu ta tìm đến Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao để tìm hiểu. Hai người ở lại uống nước, trò chuyện với thầy trong lúc chờ mưa ngớt. Rồi chụp ảnh kỉ niệm. Lúc ấy thầy đang mặc áo may ô, bèn vớ cái áo sơ mi khoác thêm vào, phía dưới vẫn độc quần đùi, còn cậu ta cũng chỉ đánh cái quần short. Xuề xoà lắm, thân mật lắm, như bản tính của thầy. Trong mắt thầy lúc ấy, cậu ta cũng không khác gì những đứa học trò người Trung Quốc ở các lớp tiếng Việt Đại học Hà Nội vẫn ríu rít trong giờ dạy của thầy.


Một người suy nghĩ đơn giản và yêu thương học trò như thầy tôi, có lẽ không nghĩ đến việc phải đề phòng người ta chơi xấu. Thầy nói gì với cậu phóng viên ấy, có nhỡ miệng hay không, đến nay tôi chưa thể kiểm chứng, và do đó càng không thể khẳng định thầy mình có hoàn toàn đúng hay không.

Nhưng tôi biết một điều, phản quốc là một trong những tội danh nặng nhất có thể dìm cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách của một con người xuống đáy vực, và ngay cả trong thời chiến, người ta cũng không được phép tuỳ tiện quy cho ai đó tội phản quốc chỉ với những chứng cứ vu vơ.

Thế mà, thật dễ dàng quá, khi cả một cộng đồng đông đảo, đứng đầu là những nhân sĩ trí thức thông kim bác cổ, nhân cách sáng ngời, chỉ dựa vào nguồn tin một chiều trên báo nước ngoài hùa nhau vào kết án một ông giáo già đơn độc như thầy tôi. 

Tất nhiên, đây không phải lần đầu tiên tôi được nghe những lời mạt sát tanh mùi chợ cá từ những nhân sĩ này. Chỉ vì phát biểu vài câu trái ý họ, nhà sử học Dương Trung Quốc đã bị kết tội "bán nước từ cái tên", bất chấp sự thật cái tên đó là do chính thân phụ của bác - một liệt sĩ chống Pháp đặt cho con trước lúc lên đường.

Lúc tìm đến nhà thầy, tôi đã nghĩ sẽ đưa câu chuyện này lên báo, làm rõ trắng đen. Nhưng trước khi tôi kịp bày tỏ ý định, thầy đã tỏ ý không muốn câu chuyện này ồn ào thêm nữa. "Xét cho cùng, họ cũng vì lòng yêu nước" - thầy bảo thế. Thầy đã viết thư tỏ bày trên mạng, cũng đã trả lời BBC, trước sau như một, rằng không có chuyện thầy coi những người biểu tình là "thế lực thù địch". Về căn bản, thầy không mâu thuẫn gì với họ và càng không muốn tranh cãi với họ.

Bài báo ấy, rốt cuộc tôi không viết, không phải vì vâng lời thầy, mà bởi khi về đến nhà, xem lại những gì đã có, tôi nhận ra hoàn toàn không nên tiếp tay cho ai đó lan truyền cái nỗi ngờ vực khủng khiếp kia ra khắp cộng đồng. Chẳng hay ho gì khi khoe khoang rằng chiến tranh chưa nổ ra mà những người Việt đã xúm vào mạt sát nhau là bán nước, với một lối tư duy tiêu cực và sặc vị thù hằn.

Và chắc tôi cũng sẽ không nhắc lại câu chuyện này, nếu như không xảy ra vụ Vinagame.

Tôi không có quan hệ gì với công ty này, và cũng không nắm được thông tin nội bộ gì để minh oan hay kết tội họ. Nhưng với tư cách một người dùng internet, theo tôi, cái cách mà cộng đồng mạng "ném đá" họ là một cuộc đấu tố không hơn không kém. Ở đó có những người mà lòng yêu nước bấy lâu sùng sục không có chỗ xả, nay được dịp trút ra. Ở đó có những người sẵn gạch đá trong tay, tham gia vào một trò chơi hành hình hả hê và hoàn toàn miễn phí. Ở đó cũng có những đối thủ của VNG đang rung đùi, mở cờ trong bụng trước cơ hội ngàn năm có một và tất nhiên không tiếc gì vài xe gạch đá tặng cho cộng đồng mạng để chôn vùi kẻ đang thất thế.

Cho đến nay, mới có những dấu hiệu và giả thiết về việc công ty Tencent (Trung Quốc) thâu tóm VNG, chứ chưa hề có bằng chứng xác thực. Tencent đã lách luật để sở hữu VNG hay chưa? Việc đó, nếu có, thì vì mục đích kinh tế hay chính trị? Hay nói cách khác, có hay không vai trò của Tencent trong chiến lược của chính phủ Trung Quốc? Nếu có, thì cộng đồng user của VNG có phải là đối tượng mục tiêu của họ? Trước khi trả lời được tất cả những câu hỏi đó, bản thân mối nguy tiềm tàng mang tên VNG cũng vẫn mơ hồ, chứ đừng nói đến việc kết tội.

Chẳng có lý do gì để những người yêu nước bằng lý trí tham gia vào cuộc đấu tố này, bởi bất cứ ai có kiến thức về tài chính đều hiểu rằng, trước khi VNG IPO, tất cả đều chỉ là suy đoán.

Một scandal khác nổ ra sau, như lửa đổ thêm dầu vào nghi vấn trước, đó là việc một nhà báo phát hiện VNG mã khoá các từ "Trường Sa", "Hoàng Sa" trong phần bình luận Zing Mp3 và kết luận đây là hành vi phản quốc. Thật khó để bào chữa cho VNG trong tình huống nhạy cảm này, và cư dân mạng có lý khi khẳng định rằng hai cái tên thiêng liêng đó chẳng có gì sai để phải bị mã khoá như những lời nói tục. Tuy nhiên bảo đây là hành động bán nước dưới sự chỉ đạo của "công ty mẹ" (?!) thì không mấy thuyết phục, bởi vì:

- Thứ nhất, việc mã khoá này chỉ có hiệu lực ở phần comment, còn tên bài hát "Gần lắm Trường Sa" vẫn còn nguyên vẹn. Trong khi nếu muốn, Zing có thể xoá luôn những bài hát dạng này - mức độ kín đáo, không để lại dấu vết cũng như tác dụng hạn chế tuyên truyền biển đảo còn cao hơn nhiều.
- Thứ hai, điều này mâu thuẫn với việc Zing đặt avatar mặc định là người lính đảo đang canh giữ Trường Sa, hình ảnh đã "làm mưa làm gió" trong cộng đồng mạng Việt Nam một năm về trước. Sức ảnh hưởng của nó lớn hơn nhiều so với các comment đa phần cảm tính, thiếu thông tin và chẳng mấy ai đọc ngoại trừ chính người đã comment.
- Thứ ba, quan trọng nhất, nếu thực sự muốn "nằm vùng" thu thập thông tin từ Việt Nam, "công ty mẹ" sẽ không dại dột có những động thái lộ liễu về chính trị, vì khi đó cái mất của họ sẽ lớn hơn nhiều so với cái được.

Đứng ở vị trí một người làm báo, tôi đồ rằng việc mã khoá này chỉ là một giải pháp tình thế không được khôn khéo cho lắm của Zing để đối phó với những tai nạn ngoài tầm kiểm soát - điều mà tất cả các tờ báo, trang tin điện tử đều phải ghi nhớ nếu không muốn một ngày đẹp trời cả toà soạn bất ngờ được ngồi chơi xơi nước vì câu bình luận vu vơ của độc giả vui tính nào đó. Không khôn khéo, là bởi cùng với ngữ cảnh của bình luận, người ta vẫn dễ dàng đoán ra mấy chữ trong *** kia là gì, và khi đó, câu văn trông càng phản cảm hơn khi nào hết. Hơn nữa, mã khoá những chữ nhạy cảm không phải là yếu tố đủ để thoát được những bình luận nhạy cảm. Có lẽ một phần bởi những bất cập này, mà hệ thống bình luận của Zing đã tạm khoá trong một thời gian và khi mở lại thì chuyển sang chế độ bình luận có kiểm duyệt thay vì tự động cập nhật như trước.

Nhưng với người Việt, một dân tộc vẫn tự hào là trọng tình trọng nghĩa, "một bồ cái lý không còn một tí cái tình", thì trong cái thời điểm hào khí ngút trời này, chỉ riêng việc để bản thân dính vào nghi án "hàng Tàu" thôi cũng đủ gạch đá xây nguyên một cái lăng tẩm rồi.

Nếu tôi là một "nước lạ" đang có ý định làm suy yếu Việt Nam, tôi sẽ không chần chừ gì mà không tiếp tục phao những tin đồn tương tự, nhắm vào những nhân vật, những tập đoàn cộm cán nhất, để làm rối loạn chính trị, suy yếu kinh tế, khiến người Việt tự nghi ngờ đấu tố lẫn nhau. Đến một ngày khi bạn nhìn từ trên xuống dưới, chỗ nào cũng thấy... Việt gian, đó là ngày chúng ta đã thua hoàn toàn, thua từ trong tư tưởng. Bạn có yên tâm nhắm bắn kẻ thù được không nếu cứ canh cánh nỗi lo từ chỉ huy đến đồng đội đều đang âm mưu chĩa súng vào mình?

Còn nếu tôi là một cá nhân/ pháp nhân bị "gắn nhãn" Việt gian bán nước một cách thiếu căn cứ, tôi sẽ kiện những người phỉ báng tôi ra toà vì tội xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm người khác, và tôi hoàn toàn có đủ căn cứ pháp lý để làm việc đó.

Trong chính trị và chiến tranh, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Bạn thành thù, thù thành bạn, bạn của kẻ thù có thể là bạn, bạn của bạn cũng có thể là kẻ thù, tất cả vì lợi ích. Nhưng cũng chính vì thế mà bài học số 1 về quan hệ quốc tế hiện đại không phải là nghi ngờ mà là học cách tin cậy lẫn nhau. Bởi xét cho cùng, một cách thực dụng nhất, người ta cần đồng minh hơn là kẻ thù.

Chúng ta có quyền ngờ vực và cần phải biết ngờ vực. "Tôi nghi ngờ, vậy tôi tồn tại". Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được quyền đem mối hồ nghi làm căn cứ để kết án đồng bào mình, hay tự cho phép quyền yêu nước của mình cao hơn quyền được sống và được tôn trọng của người khác.

Thầy Nguyễn Thế Sự trả lời phỏng vấn trên BBC tiếng Việt: 

Về cuộc phỏng vấn gây tranh cãi 
Mới đây, một bài phỏng vấn đăng trên trang mạng Phượng Hoàng của Trung Quốc đã gây chú ý trên các diễn đàn của người Việt Nam.
Bài phỏng vấn được cho là của Tề Lỗ Văn báo với ông Nguyễn Thế Sự, giáo viên tiếng Trung của Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (đã về hưu), thực hiện ngày 23/06 và được đưa lên mạng ngày 02/07.
Ông Sự được nói là người không những thông thạo tiếng Trung, mà còn có quan hệ lâu năm với Trung Quốc vì ông từng học tập tại Đại học Bắc Kinh.
Trong bài phỏng vấn, nhiều người đặt câu hỏi về những chi tiết như khi ông Nguyễn Thế Sự nói việc thanh niên Việt Nam biểu tình gần đại sứ quán Trung Quốc “là do phái phản động ở Việt Nam gây ra”.
"Việt Nam cũng có phái phản động chủ yếu là tổ chức người Việt ở hải ngoại, ví dụ như Đảng Việt Tân ở Pháp. Bọn họ rất ghét Đảng Cộng sản Việt Nam hơn nữa lại khiêu khích mối quan hệ Việt - Trung."
Bài này dẫn tiếp lời ông Sự: "Như hiện nay quan hệ Việt- Trung trở lên căng thẳng, họ nhảy vào kích động thanh niên Việt Nam làm loạn".
"Công an Việt Nam trong vòng 30 phút đã giải tán đoàn biểu tình. Trường học cũng ngăn cản một số phần tử quá khích tham gia biểu tình. Ở phía Nam một số ngư dân muốn tham gia cũng bị ngăn cản."
'Phát ngôn hồ đồ'
Bài phỏng vấn sau khi được phát hiện đã bị nhiều chỉ trích từ những người gọi nhận xét "xúi giục biểu tình" là "phát ngôn hồ đồ" và "đã xúc phạm nghiêm trọng đến những người biểu tình".
Một nhà văn nhận xét trên blog cá nhân của ông: "Chính ông Sự cũng thừa biết kẻ nào gọi những người yêu nước là bọn phản động thì kẻ đó đích thị là một tên phản động".

Thậm chí có người trên mạng internet còn gọi ông Nguyễn Thế Sự là 'giáo sư chư hầu'. 
Từ Hà Nội, ông Sự nói với BBC hôm 08/07 rằng sự thực không phải như bài báo đăng tải nhưng sau khi đọc bài báo trên mạng, ông hiểu tại sao lại có phản ứng gay gắt như vậy từ các blogger Việt Nam. 
Ông Nguyễn Thế Sự: Người dân Việt Nam trước những diễn biến vừa rồi ở Biển Đông chắc chắn có những bức xúc nhất định vì một số việc làm có thể gọi là ngang ngược của Trung Quốc.
Vậy thế cho nên khi người ta biết tôi có buổi nói chuyện với anh phóng viên Trung Quốc, anh ta về nhà viết bài đăng lên với những chi tiết như thế, thì người ta phẫn nộ và tôi cũng hiểu được tâm tư của người ta thôi.
Giữa lúc tình hình rất nhạy cảm như thế này lại có tiếng nói như vậy thì bức xúc là dễ hiểu.
Nhưng mà sự thực nó không phải như thế.
BBC: Thưa, ông khẳng định rằng những chi tiết đưa ra trong bài báo là hoàn toàn không đúng sự thực? 
Ông Nguyễn Thế Sự: Vâng. Có những cái người ta chắp vá, lắp ghép vào. Thí dụ khi nói về Việt Nam, tôi có nói là đang có những thế lực phản động gây khó khăn cho Việt Nam, có hoạt động chống đối, diễn biến hòa bình... nhưng không phải nói đến chuyện biểu tình chống Trung Quốc.
BBC: Vậy ông nghĩ phóng viên Trung Quốc có ý đồ gì khi làm công việc 'chắp vá' như vậy không ạ? 
Ông Nguyễn Thế Sự: Tôi nghĩ cũng có thể vì họ làm sao cho phù hợp với tuyên truyền của họ.
Lúc đầu thì tôi không nghĩ thế, vì anh phóng viên còn rất trẻ. Anh tới gặp tôi để hỏi về phản ứng của người dân Việt Nam (trước các hành động của Trung Quốc), tôi cũng giới thiệu cho anh ta một số cơ quan đoàn thể vốn làm công tác nghiên cứu về Trung Quốc.
Khi anh ta ngồi lại vì trời mưa, tôi cũng tranh thủ nói chuyện với anh ta về một số sự thực trong quan hệ hai bên để anh ta hiểu tại sao vừa rồi Việt Nam lại có phản ứng mạnh mẽ như vậy. 
BBC: Có ý kiến ông nên liên lạc với mạng Phượng Hoàng để yêu cầu xin lỗi và cải chính ạ? 
Ông Nguyễn Thế Sự: Tôi nghĩ đây là việc rất khó, là người dân bình thường làm công việc này hết sức phiền phức. Vả lại tôi cũng không thấy nó có lợi cho công việc chung hay bản thân tôi.  
BBC: Gần đây báo Trung Quốc đã tiếp cận nhiều học giả, chuyên gia Việt Nam, những người biết tiếng Trung, thông hiểu văn hóa Trung Quốc để tìm hiểu về quan hệ hai bên. Theo ông, những người như ông có thể làm được gì để giải t̉ỏa căng thẳng song phương ạ? 
Ông Nguyễn Thế Sự: Thực ra tôi không nghĩ chúng tôi có thể làm được gì nhiều. Tôi nghĩ nhân dân Trung Quốc đa số là người rất tốt.
Những người thầy, người bạn của tôi rất hiểu quan hệ Việt-Trung và các sự kiện trong quan hệ hai bên. 
Chúng ta cần phân biệt rõ ràng những người Trung Quốc có quan hệ tốt với Việt Nam, yêu chuộng hòa bình và các phần tử diều hâu, hung hăng, hiếu chiến.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Truyện cười] Tín dụng

Tháng 8. Mưa. Ở một thị trấn nhỏ đìu hiu bên bờ Biển Đen. Đó là một giai đoạn khó khăn, ai cũng nợ nần và phải mua vay bán chịu (*). Bỗng đâu, một du khách giàu có tìm đến. Ông bước vào khách sạn duy nhất của thị trấn, đặt 100 Euro lên bàn lễ tân và lên gác chọn phòng.

Cha thì sao, mẹ thì sao?

Tôi đã nghĩ như thế đấy, và bây giờ, tôi lại càng tin chắc như thế đấy: Cha mẹ nghĩ mình là ai mà có quyền bắt con cái phải chịu ơn họ ngay khi chúng được sinh ra trên đời?!

Gái Hà Nội (2)

Thời thơ ấu của bố trôi qua nói chung yên bình như tất cả lũ trẻ con phố Hàng khác; hoặc giả trong những cái đầu thơ trẻ, bình yên là dù có bom rơi đạn lạc hay tay uỷ ban từng là ông bán cháo lòng thì cây bàng đầu phố quả vẫn cứ rơi lộp bộp trong bài văn của chúng.