Chuyển đến nội dung chính

Nhà báo Hữu Thọ: Bây giờ dạy các cháu cực khó!

Con người một thời khởi xướng cho cuộc chuyển mình của báo giới thời kỳ đổi mới, giờ đây, khi chia sẻ về một vấn đề “đời thường” hơn - những vụ bạo lực học đường đang gây xôn xao dư luận – vẫn vẹn nguyên tâm huyết và cái nhìn sắc sảo trong dáng vẻ ôn tồn.

Nhà báo Hữu Thọ giải mã sự chơi trội, bạo lực học trò
Bạn đồng nghiệp thường gọi nhà báo Hữu Thọ là NGƯỜI HAY CÃI theo tên cuốn tiểu phẩm đầu tiên xuất bản 1991, đồng thời như tính cách ngoài đời và phong cách báo chí của ông. Ảnh: CAND
Đừng nhầm lẫn giữa cá biệt và phổ biến

- Từ góc độ một người định hướng tư tưởng trong xã hội, ông có cho rằng tình trạng bạo lực học đường, như báo chí lên tiếng trong thời gian gần đây, đã ở mức đáng báo động chưa?

Nói học trò bây giờ đánh nhau, ngày xưa không có, thì không phải. Ngày xưa đi học chính tôi cũng có đánh nhau chỉ vì bạn bè châm chọc, nhưng thường chỉ ở tiểu học thôi, đến trung học thì ít. Trong khi đó, hiện tượng bạo lực vừa xảy ra đã đi quá mức đánh nhau bình thường của những đứa trẻ hiếu động, phải nói là đau lòng. Tôi đọc trên mạng thấy có một tác giả viết rất đúng: trẻ con đánh nhau, người lớn đau lòng. Chúng ta là người lớn, thấy trẻ đánh nhau, thì tự đau lòng thấy trách nhiệm của mình trong đó rất lớn.

Tôi không dám nói về mức độ như thế nào, bởi gần đây không chỉ vụ đánh nhau ở trường Trần Nhân Tông mà đã có rất nhiều vụ xảy ra, ở cả Hà Đông, Đồng Nai, thậm chí đánh nhau đến chết người. Còn tình trạng phổ biến đến đâu tôi cũng không đoán định được, bởi hiện nay, hiệu quả của truyền thông đại chúng lớn lắm, không giống như ngày xưa, cho nên không thể căn cứ vào một vài vụ việc để nói là phổ biến.

Về tính chất nghiêm trọng, phải nói là thực sự nghiêm trọng. Toàn xã hội phải có trách nhiệm trong vấn đề này. Đa phần phát biểu trên mạng bây giờ đều quy kết cho nhà trường, cho giáo dục. Tất nhiên các thầy phải có trách nhiệm - tôi nghe nói Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã yêu cầu các trường kiểm điểm. 

Nhưng đừng nên chỉ quy kết như thế. Thầy cô nào dạy học trò mình đánh nhau, trong trường xảy ra những chuyện đó các thầy cũng rất đau lòng. Một ông giáo có tuổi từng tâm sự với tôi: "Chỉ cần một bài báo, đoạn phim mô tả một hành động tàn ác, vô luân thường đạo lý là đánh đổ toàn bộ hiệu quả cả một tiết Giáo dục công dân." Đau lòng lắm chứ.

Những hành động trên clip mà chúng ta xem các cháu đánh nhau rất giống với trong các phim hành động. Để giải quyết việc này, tôi nghĩ phải xét đến trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội, mà trong tình hình hiện nay tôi cho rằng cơ quan truyền thông đại chúng có trách nhiệm rất lớn.

Vấn đề thứ 2, là giáo dục đạo đức. Chúng ta hết sức quan tâm chứ không hề coi thường vấn đề này. Nhưng có điều, chúng ta thường chú trọng đạo đức cách mạng, đạo đức công dân, mà đạo làm người thì lại chưa được quan tâm đầy đủ: ứng xử, thương yêu nhau, sống cho có nghĩa tình, khoan hòa, độ lượng… thì ít dạy. Cho nên, phải giáo dục đạo làm người trước hết, rồi mới đến những cái cao hơn. 

Càng ngày, đi sâu vào nền kinh tế thị trường, lấy lợi nhuận, lợi ích kinh tế làm thước đo, thì những quan hệ khác bị ẩn đi. Trong xã hội không ai tránh được va chạm, ai cũng có những ẩn ức, bực tức, nhưng xử lý thế nào cho có văn hóa. Người xưa dường như quan tâm cái đó nhiều hơn. Gia đình xưa có gia phong, quan tâm nhiều đến giáo dục con cái. Gia đình bây giờ lo kinh doanh, mưu sinh nhiều hơn. 

Vai trò của gia đình là cực kỳ quan trọng. Gia đình là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống từ đời này sang đời khác, nên quan trọng nhất vẫn là giáo dục gia đình.

Nhà báo Hữu Thọ sinh ngày 8/1/1932 tại Hà Nội. Nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, Ủy viên Ủy ban đối ngoại Quốc Hội các khóa IX, X. Nguyên Trưởng ban Tư tưởng, văn hóa Trung ương (1995-2001); nguyên Trợ lý Tổng Bí thư (2001-2006). Ông vẫn muốn được gọi là nhà báo, kể cả khi đang giữ các trách nhiệm trong cơ quan công quyền.

- Những vụ việc này thực chất là vấn đề cá biệt hay vấn đề xã hội thực sự? Và báo chí có “tránh” việc đưa tin về những tiêu cực, mặt trái trong xã hội để tránh làm bi quan dư luận?

- Đây là chỗ khó xử của anh em làm báo. Báo chí có trách nhiệm thông tin, mà trong thông tin có trách nhiệm quảng bá. Nhưng bao giờ thông tin cũng kéo theo việc dễ nhầm lẫn những cái cá biệt thành cái phổ biến. Cho nên rất cần một sự rất cân nhắc. Ví như, chuyện ở nơi này phun thuốc trừ sâu vào quả vải, nhưng khi thông tin đưa lên, người ta lại có cảm giác vải khắp nơi đều như thế. Hay vấn đề hộp xốp chứa chất gây ung thư, không biết xuất phát từ báo nào; cơ quan VSATTP đi kiểm tra thì những hộp đã kiểm nghiệm đều chưa thấy; nhưng chỉ là xác suất, làm sao kiểm nghiệm hết? Vậy là vẫn tồn nghi trong xã hội.

Ở đây, vấn đề là, báo chí có trách nhiệm cảnh báo xã hội. Như vụ ở Đồng Nai, nếu anh em ở đó không đưa lên, thì chúng ta không biết để xử lý, đồng thời cũng không giật mình để cảnh báo về tình trạng các cô mẫu giáo đánh đập, ăn bớt khẩu phần của trẻ con. Thực ra, xử lý nghiệp vụ không phải dễ, vì chúng ta phải cảnh báo, cảnh báo là phải đặc tả cái xấu, mà vai trò kĩ thuật của đặc tả là gây ấn tượng sâu sắc. Đây cũng là một vấn đề về nghiệp vụ. Bảo anh em truyền thông không làm nữa? 

Phải làm, để cảnh báo xã hội, để ngăn ngừa cái xấu. Không cảnh báo, làm sao truy ra vụ Trần Nhân Tông? Như vậy, cảnh báo là cần, nhưng đến mức nào? Đừng đến mức độ để người ta có cảm giác như toàn bộ xã hội đều như vậy.  

Thực ra tình hình cũng rất nghiêm trọng, không thể coi thường. Chính các cháu của tôi đang học các trường phổ thông của HN đều nói rằng: trường chúng con cũng có những vụ đánh nhau kiểu này, không nghiêm trọng như ở TNT, ở Hà Đông, nhưng cũng đánh hội đồng, trẻ con phe nhóm đánh nhau. Đừng làm như cái gì nguy hiểm quá, nhưng cũng phải thấy tính chất nghiêm trọng của nó, không phải là cá biệt. Vấn đề là tuyên truyền kiểu nào cho thích hợp, là một nghệ thuật, không những là bản lĩnh chính trị mà còn là bản lĩnh nghề nghiệp nữa. Như vụ đánh nhau, nếu không có đứa trẻ tinh nghịch tung lên mạng, thì chúng ta cũng đâu có biết?

- Như ông đã nói, ở ngay trường các cháu của ông đang theo học cũng xảy ra hiện tượng đánh nhau. Vậy phụ huynh nên xử lý như thế nào khi con mình bị đánh? Và trong giáo dục con cái, nên dạy chúng ứng xử như thế nào khi bị bạn bè gây gổ, thưa ông?

Gia đình con bị đánh nên hết sức bình tĩnh cùng nhau tìm cách hòa giải: báo với thầy cô, nhà trường, hoặc gặp trực tiếp gia đình bên kia. Họ có khi cũng không biết con mình đánh nhau, mà họ cũng không muốn đâu, trừ những gia đình côn đồ. Cho nên, ngồi lại bàn bạc với nhau, đừng tiếp tục gây hận thù, đặc biệt đừng có dẫn người đi trả thù. 

Ông cha ta đã nói: Hận thù chỉ gọi thêm hận thù. Tất nhiên, nếu bị người khác đánh, thì phải phân rõ phải trái, nhưng đừng nghĩ đến trả thù. Sự trả thù sau bao giờ cũng dẫn thêm trả thù, mà sự trả thù sau bao giờ cũng lớn hơn, tàn ác sự trả thù trước.

Tôi có cảm giác ngày xưa lên đến trung học là người ta đã trưởng thành, chững chạc hơn, còn trẻ con bây giờ hiểu biết nhanh, nhưng trưởng thành lại hơi chậm. Bây giờ dạy các cháu cực kỳ khó. Người ta đánh mình, có nên dạy nhẫn nhịn không? Hay tự bảo vệ mình? Có bố mẹ dạy: nó đánh mình thì mình phải đánh trả, phải “không chịu áp bức. Nhưng như thế lại rơi vào vòng trả thù. 

Có lẽ tốt nhất là, những chuyện nhỏ thì nhẫn nhịn, thưa với thầy cô, đừng để gia đình tham gia trả thù, làm phức tạp, to chuyện, có khi dẫn đến chết người. Những trường hợp như vậy xử sự hết sức phức tạp, phải hết sức cẩn thận.

Muốn nổi trội thì có gì sai?

- Có người đề cập đến một cuộc “khủng hoảng giá trị” trong giới trẻ, ví như thích nổi trội, thích thể hiện bản thân… như hệ quả tất yếu của thời kỳ mở cửa. Đánh nhau, quay clip rồi tung lên mạng, cũng là một lối “thể hiện” như vậy. Nhà báo đánh giá thế nào về vấn đề này?

Nói về khẳng định mình thì tuổi nào cũng có, nhất là tuổi trẻ, muốn khẳng định mình không còn là trẻ con. Chỉ có điều cần giáo dục các cháu rằng muốn khẳng định mình, muốn chứng tỏ mình ở một đẳng cấp khác, thì không phải ở những hành vi chơi trội, mà chính ở tài năng, đức độ, sự hòa đồng.

Bây giờ tôi rất lo một tâm trạng hình thành trong xã hội: anh nào cũng muốn làm đại ca. Tất cả những phim truyền hình Trung Quốc hấp dẫn, kịch tính, thậm chí đến hàng trăm tập, thực chất cũng chỉ nói 2 vấn đề: trả thù và tranh bá đồ vương. Xu hướng con người muốn nổi loạn, muốn nổi bật là xu thế chung phát triển của xã hội, nhất là tuổi mới lớn, chứ chẳng riêng gì trong thời mở cửa.

Khi 14 tuổi, bằng thằng cháu nội bây giờ, tôi đã đi hoạt động cách mạng, lúc đó ai gọi mình là “chú”, coi mình như trẻ con là khó chịu lắm, muốn được bình đẳng như mọi người. Thể hiện thì có gì sai? Muốn có đóng góp, nổi trội trong xã hội có gì sai? Nguyễn Công Trứ chẳng nói: “Phải có danh gì với núi sông” là gì? Vấn đề là bằng cách gì? 


Nhà báo Hữu Thọ giải mã sự chơi trội, bạo lực học trò
Nữ sinh trường THCS Lê Lai (quận 8, TP.HCM) bị 2 bạn gái học cùng lớp đánh ngất xỉu chỉ vi xinh và học giỏi gây bất bình trong dư luận trong thời gian gần đây. 

Người giàu có thì tung tiền thành lập phe nhóm, trở thành đại ca; kẻ hung hãn thì dùng sức mạnh, sự tàn ác của mình để thành đại ca, thì đó là con đường xấu. Còn tài năng, thì làm lãnh tụ nhóm. Phải xây dựng những thanh niên như vậy thì mới có người lãnh đạo sau này, chứ đâu phải xây dựng một thế hệ thanh niên chỉ toàn làm nhân viên? 

Cho nên đừng phê phán muốn nổi bật, muốn thể hiện, vấn đề là bằng cách nào mà cũng đừng đổ hết cho mở cửa. Còn nói rộng ra, thì cũng đúng là cả hệ thống giá trị đang bị đảo lộn, mà chủ yếu chính là ở chỗ lấy lợi nhuận làm gốc.

- Những người sinh năm 60, 70, cha mẹ của 9x bây giờ, liệu có gì đó ảnh hưởng đến con cái họ? Đó là thế hệ sinh vào giai đoạn cuối hoặc sau chiến tranh, tức là không tham gia chiến tranh, tuổi đi học thì trong thời kỳ bao cấp, rồi khủng hoảng, trưởng thành trong cải cách mở cửa, bản thân họ có nhận một sự đứt gãy về giá trị nào so với các thế hệ đi trước không?

- Đừng nhìn thế hệ bằng những cái càn quấy, đâm chém dọc đường, mà phải nhìn những người lầm lũi lao động, học tập, đạt đến đỉnh cao. Bản chất của thế hệ này là muốn vươn lên, trở thành những tài năng, có công ăn việc làm, có thu nhập cao, cho gia đình một cuộc sống sung túc, đó mới là đa số, chứ sao có thể nhìn những tiêu cực, ma túy là đa số được? 

Nhưng tôi cũng có một cảm giác là, hình như con nhà khó khăn thì chăm chỉ học hơn, vì không có con đường nào khác để tiến thân trong một xã hội mà ai cũng cần một vị trí đứng. Mà tại sao lại phê phán chuyện muốn có một vị trí cao? Thanh niên có chí vươn lên thì phải khuyến khích, tiến càng cao càng tốt. Còn những con nhà giàu, có thế lực, bên cạnh con đường đó, còn nhiều con đường khác để tiến thân. Bằng tiền, bằng thế lực của ông bà, bố mẹ. Nhưng cũng chỉ là một số thôi. Có những người tôi biết rõ ràng là “con nhà”, nhưng vẫn tự đứng bằng đôi chân của mình.

Mỗi thời có một sự thử thách khác nhau, thế hệ cũ là thử thách qua chiến tranh sống chết bảo vệ tổ quốc. Chẳng lẽ bây giờ lại muốn có chiến tranh để cho thế hệ mới thử thách hay sao? Thế hệ mới hoàn toàn sống trong hòa bình, vươn lên trong hòa bình. Mà cuộc vươn lên trong hòa bình, trong sự nghiệp đổi mới, như Hồ Chủ tịch đã nói trong Di chúc sửa chữa năm 1968, là một “cuộc chiến đấu khổng lồ”, chớ có coi thường nó. Ai đã xung phong vào cuộc chiến đấu này? Là thế hệ sinh năm 60, 70, chứ còn ai nữa? Cuộc chiến đấu cực kỳ gian khó. Anh thấy những “nông dân” lấy vợ đẹp, đi xe đẹp, ở nhà cao, ngoài những kẻ tham ô, lợi dụng thì những người khác cũng sầy vẩy cạnh tranh, làm ngày làm đêm, nhiều người phá sản, đổ mồ hôi sôi nước mắt để có được chỗ đứng trên thương trường trong nước và thế giới.

Đừng thấy thế hệ này không chiến đấu, mà nghĩ họ không phải vật lộn. Phải vật lộn rất nhiều, với trí tuệ, với sự cạnh tranh, mà cạnh tranh bây giờ thì gay gắt vô cùng. Mình hy vọng một thế hệ không cam chịu, thì đừng nhìn thanh niên với vài hiện tượng tiêu cực mà ra cả một thế hệ sai. Cũng như đừng nhìn vài đứa trẻ đánh nhau mà nghĩ toàn bộ đạo đức của học sinh chúng ta là hỏng. Đó chỉ là một bộ phận. Ngay trong đảng cũng phải thừa nhận “có một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái về đạo đức”, không nhỏ tức là cũng lớn, đúng không?

Cho nên, phải nhìn thế hệ trẻ bằng con mắt rộng lượng, rộng lượng thì mới tin được, nếu không thì sẽ bi quan, sẽ nghĩ chúng ta làm gì có tương lai, vì tương lai là do thế hệ trẻ xây dựng chứ ai? Đừng nhìn mọi chuyện quá ồn ã lên, cho cả thế hệ thanh niên là hỏng cả như vậy. Còn đứa trẻ nào hỏng thì phải đấu tranh, xử lý nghiêm, nhưng cũng không nên đẩy một đứa trẻ ra đường, trở thành gánh nặng cho xã hội.

- Về phía nhà trường, hiện nay xã hội rất lên án những vụ giáo viên ngược đãi học trò. Nhưng có ý kiến lại cho rằng, học trò ngày xưa biết tôn sư trọng đạo, chính vì các ông đồ, ông giáo ngày xưa đều cực kỳ nghiêm khắc, nên tốt nhất là trao lại cây roi mây cho thầy giáo. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Thực ra, cũng không hẳn như vậy. Ngày xưa kỷ cương gia đình, gia phong rất nghiêm, nhưng nghiêm đến mức độ trẻ con không còn tự do. Ở Hà Nội hồi đó, đã ra đường phải mặc áo dài chứ không được mặc áo cánh, bất kể người giàu hay nghèo. 

Trẻ con phải để cho chúng không có gì ngăn trở trên đầu, chứ nếu trên đầu lại có trần thì đè nén, hạn chế sức bật của nó. Lễ giáo phong kiến đè nén phụ nữ và thanh niên không ngóc đầu lên được. Chúng ta phát triển tài năng, mà đã tài năng thì không có tôn ti, phải có vượt bậc thì mới có tài năng, tài năng phải vượt cấp, không thể kiểu “cứ 3 năm lên lương một lần”. Cho nên, mỗi thời phải có cách ứng xử riêng.

Một xã hội khi mở ra thế nào cũng có chệch choạc, những chệch choạc đôi khi rất đau lòng, nhưng đừng vì thế mà khép lại, không mở nữa.

Bài đăng trên VTC News ngày 6/4/2010. Trong bài có 2 câu được cắt bớt khi đưa lên báo.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Truyện cười] Tín dụng

Tháng 8. Mưa. Ở một thị trấn nhỏ đìu hiu bên bờ Biển Đen. Đó là một giai đoạn khó khăn, ai cũng nợ nần và phải mua vay bán chịu (*). Bỗng đâu, một du khách giàu có tìm đến. Ông bước vào khách sạn duy nhất của thị trấn, đặt 100 Euro lên bàn lễ tân và lên gác chọn phòng.

Cha thì sao, mẹ thì sao?

Tôi đã nghĩ như thế đấy, và bây giờ, tôi lại càng tin chắc như thế đấy: Cha mẹ nghĩ mình là ai mà có quyền bắt con cái phải chịu ơn họ ngay khi chúng được sinh ra trên đời?!

Gái Hà Nội (2)

Thời thơ ấu của bố trôi qua nói chung yên bình như tất cả lũ trẻ con phố Hàng khác; hoặc giả trong những cái đầu thơ trẻ, bình yên là dù có bom rơi đạn lạc hay tay uỷ ban từng là ông bán cháo lòng thì cây bàng đầu phố quả vẫn cứ rơi lộp bộp trong bài văn của chúng.