Chuyển đến nội dung chính

Chuyện quan coi mũ và 3 “thảm họa” không chỉ tiếng Anh


Đã có không ít “cái chết do cảm lạnh” ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, vì ai cũng tưởng mình là ông quan coi mũ; và cũng không ít “cái chết” do ông thợ rèn bỗng dưng được/ phải làm thợ cạo.





Tháng 10 đang sắp đi qua với đầy ắp những sự kiện văn hóa, mà trong đó không thể không kể đến 3 sự kiện quy mô là Đại lễ Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất và cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2010 diễn ra tại Vinpearl Land – Nha Trang. Đó đều là những sự kiện văn hóa có ý nghĩa quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Nhưng đáng buồn là, trong thời gian diễn ra cả 3 sự kiện này, cộng đồng mạng đều phải “mất vía” về những "thảm họa" tiếng Anh.

1.
Thảm họa “nhạc Việt lời Anh”

Chùm clip “nhạc Việt lời Anh” của nhóm BSP đã khiến dư luận được một phen kinh hoàng khi biến những ca khúc Việt Nam được yêu thích thành một mớ giả cầy mang tên “lời Anh”, mà phát pháo làm nổ bùng dư luận chính là clip Hanoi's this season absent the rain (Hà Nội mùa vắng những cơn mưa – theo cách dịch của BSP). Những ca khúc sai lung tung cả về ngữ pháp, ngữ nghĩa, phát âm… được post và lan truyền nhanh chóng đã khiến nhiều người ngạc nhiên, bất bình. Thậm chí một số cư dân mạng phẫn nộ gọi đó là một cuộc “hiếp dâm nhạc Việt”, và lên tiếng yêu cầu gỡ ngay những clip đó khỏi Youtube.

Chuyện quan coi mũ và 3 “thảm họa” không chỉ tiếng Anh
 Sai ngữ pháp và từ vựng một cách... kì khôi ở ngay câu đầu tiên (ảnh chụp từ clip)

Youtube là một mạng chia sẻ nơi người ta có thể đăng lên và tải về những clip thượng vàng hạ cám; chẳng có vấn đề gì khi một số bạn trẻ up lên những clip không vi phạm đạo đức, pháp luật, không trái với thuần phong mĩ tục. Vâng, sẽ chẳng có vấn đề gì, nếu đó không phải là những bài hát trong CD “Tình ca 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”, nằm trong chuỗi kỉ vật Những tấm lòng với Thăng Long – Hà Nội. Cũng tức là, không chỉ coi đó là sản phẩm thỏa mãn sở thích cá nhân, các bạn đã có ý định ghép nó vào như một phần của Đại lễ Nghìn năm – sự kiện văn hóa có ý nghĩa trọng đại của cả nước, một phần của bộ mặt văn hóa mà chúng ta tự hào giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Và cũng sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu những bài hát ấy không được trang trọng giới thiệu trên bản điện tử của một tờ báo chính thống, với những lời có cánh như “lần đầu những ca khúc rất đỗi quen thuộc với khán giả người Việt lâu nay lại có một phiên bản tiếng Anh dễ thương như thế”, hay “chắp cánh cho ca khúc Việt bay xa”, và đặc biệt là lời khen ngợi “dịch rất sát nghĩa” (?!)

Trong khi đó, trên Youtube, người nước ngoài đã bình luận thế nào? “You don't even pronounce half of the words correctly. Beside, this translation is grammatically horrible. Without the subtitles, I wouldn't know what words you're trying say. Nevertheless, I don't understand the words anyway. Honestly, nobody would understand what you guys mean by "absent the rain”!!!” (Thậm chí bạn không phát âm đúng nổi một nửa số từ. Bên cạnh đó, bản dịch này là một thảm họa ngữ pháp. Nếu không có phụ đề, chắc chắn tôi không biết bạn đang nói những từ gì nữa. Và ngay cả đọc phụ đề rồi thì tôi cũng không cách nào hiểu nổi những từ ấy. Nói thẳng ra, chẳng ai hiểu cái “absent the rain” của bạn nghĩa là gì!!!).

Nặng nề hơn nữa là: “If u guys got any respect to your mother tongue, and your country, plz remove this piece of trash out of Youtube” (Nếu các bạn còn một chút tôn trọng tối thiểu đối với tiếng mẹ đẻ của mình và đất nước mình, thì làm ơn gỡ ngay thứ rác rưởi này khỏi Youtube).

Có thể hiểu vì sao các cư dân mạng lại phản ứng gay gắt đến thế. Họ có lý do để thấy hổ thẹn khi những hình ảnh như vậy của Việt Nam được phơi ra trước mắt bạn bè quốc tế.

2. 
Diễm Hương - cao trào của nỗi thất vọng mang tên Hoa hậu

Một bi hài kịch gần như không tưởng đã xảy ra, khi đại diện Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2010, HHTGNV Lưu Thị Diễm Hương viết sai chính… danh hiệu của cô: cụm từ đơn giản và được quảng bá rầm rĩ “Miss Vietnam World” đã được “cải biên” thành “Miss World Vietnamese” ngay trên tấm pano trang trọng, nơi đại diện chủ nhà Việt Nam được đặc cách kí tên cùng cựu Hoa hậu Trái đất các năm trước.

Chuyện quan coi mũ và 3 “thảm họa” không chỉ tiếng Anh
 "Miss World Vietnamese"?!

Nhầm lẫn trong ngôn ngữ, cả nói và viết, là chuyện bình thường, nhưng nếu có viết lộn, thì cũng chỉ có thể là "Miss World Vietnam" - mặc dù với tư duy ngữ pháp cơ bản nhất, thì cụm từ này... rất khó hình thành trong đầu, chứ đừng nói viết ra. Còn "Miss World Vietnamese" thì chỉ có thể hiểu là cách dịch có chủ ý cụm từ "Hoa hậu Thế giới người Việt" một cách... word by word. Thế mà chữ kí đó không phải của cá nhân cô - người đẹp Diễm Hương, đó là hình ảnh đại diện, là cái “avatar” của Việt Nam truyền đi khắp thế giới qua diễn đàn mang tên Hoa hậu Trái đất 2010.

Chưa được hưởng hết niềm vui từ vương miện Hoa hậu Thế giới người Việt 2010, người đẹp Diễm Hương đã phải đối mặt với dư luận khá gay gắt xung quanh bảng điểm không được đẹp của cô ở trường, cũng như những nghi vấn cố tình “mập mờ đánh lận con đen” khi nhận mình là sinh viên Đại học Hoa Sen, trong khi thực chất cô đang học hệ Cao đẳng của trường này.

Scandal chưa dừng lại ở đó, khi những ngày tiếp theo, hình ảnh về chiếc áo “trong suốt đến tuyệt vời” mà Diễm Hương chọn mặc khi tham dự hoạt động từ thiện và tuyên truyền bảo vệ môi trường lại khiến cư dân mạng “ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái”.

Một cư dân mạng thở dài: “Sau vụ bảng điểm mình vẫn nói với mọi người đừng đánh giá em ấy vội, hãy chờ xem em ấy làm gì để là một hoa hậu thật sự trong mắt mọi người. Ai dè điều em ấy làm là đây.”

Và bất chấp mọi lời giải thích của Diễm Hương, thì với những gì đang diễn ra, người hâm mộ có lẽ phải thở dài thừa nhận rằng: Với cách thi thố hiện nay, thật khó để tìm cho ra một Hoa hậu vừa có hương, vừa có sắc.

3. 
Tai nạn nghề nghiệp của MC kỳ cựu Lại Văn Sâm

Mấy ngày vừa qua, báo chí cũng như dư luận đã bàn tán quá nhiều về sự cố “Ngô Ngạn Tổ nói một đằng, Lại Văn Sâm dịch một nẻo” trong đêm bế mạc LHP Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất. “Tai nạn” xảy ra khi MC kì cựu này không hiểu những câu nói bằng tiếng Anh của Ngô Ngạn Tổ, và “chữa cháy” bằng những câu tự chế tức thì.

Chuyện quan coi mũ và 3 “thảm họa” không chỉ tiếng Anh
 Hai MC Lại Văn Sâm và Ngô Mỹ Uyên trong lễ bế mạc

Chê trách cũng đã chê trách, bênh vực cũng đã bênh vực; có lẽ đã đến lúc ngưng bàn tán về trình độ tiếng Anh của MC Lại Văn Sâm. Nếu nhìn trên một khía cạnh khác, cho dù tiếng Anh có là quốc tế ngữ đi nữa, thì không giỏi tiếng Anh cũng chẳng phải chuyện đáng bị chỉ trích, chê cười khi người đó rất thành thạo một ngoại ngữ khác nằm trong 6 ngôn ngữ chính thức của Liên Hợp Quốc.

Và quan trọng hơn nữa, vấn đề không nằm ở tiếng Anh!

Vấn đề là ở chỗ, tại sao MC chính của chương trình lại phải làm phiên dịch, và tại sao một người không thạo tiếng Anh lại PHẢI dịch tiếng Anh, trong một sự kiện lớn và cần chuyên nghiệp đến thế? 

Theo một số người có mặt lúc đó, không phải không có phiên dịch cho “khách VIP”, mà là phiên dịch làm việc quá dở và bị động, khiến chương trình rơi vào khoảng chết và làm những người trên sân khấu lúng túng. Nếu sự thật đúng là như vậy, thì có lẽ người ta nên ít nhiều cảm ơn tài biến báo của Lại Văn Sâm. Dĩ nhiên, lẽ ra Lại Văn Sâm có thể linh hoạt với những giải pháp khác, như nhiều người đã chỉ ra; nhưng trong một tình huống gấp gáp, có vẻ như anh đã chọn phải phương án không mấy lạc quan này. Là một MC dày dặn kinh nghiệm, thấy thế nguy, nhà báo kì cựu đã “liều mình xung trận”; kết quả cho sự “dũng cảm” của anh không được như ý, nhưng ít nhất trong mắt những quan khách quốc tế không biết tiếng Việt, mức độ “vô duyên” của chương trình cũng giảm đi phân nửa; bởi lẽ nếu để những khoảng chết kéo dài trong một chương trình truyền hình trực tiếp thì mới thật sự thiếu chuyên nghiệp ở mức không thể chấp nhận được.

Thông cảm cho cái khó của người MC trong một tình huống “anh hùng”, lại càng khó hiểu cho khâu tổ chức. Một sự kiện văn hóa lớn như vậy, nhưng lại thiếu một phiên dịch tiếng Anh - trong khi không ít học sinh cấp 2, cấp 3 của ta hiện tại có thể “bắn” tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Một cư dân mạng đùa rằng, giá Ngô Ngạn Tổ bỗng nhiên nổi hứng... nói tiếng Trung, hoặc “khó chơi” hơn nữa là tiếng Quảng Đông, thì có lẽ màn “chữa cháy” dũng cảm của Lại Văn Sâm sẽ thành ra… quý hơn vàng, vì khách không hiểu, khán giả cũng không mấy người hiểu, và lễ bế mạc coi như… thành công tốt đẹp!

Thay lời kết: Chuyện xưa về ông quan coi mũ 
3 sự việc xảy ra trong cùng một tháng, lại là tháng cao điểm về nghìn năm văn hiến; người có học, có tâm đều không thể cầm lòng hai tiếng “Trời ơi!”.

Sau “sự cố” lùm xùm Đường lên đỉnh Olympia vài tháng trước, hẳn 3 câu chuyện bi hài này sẽ khiến những ý kiến đề xuất cải cách việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường lại xếp hàng dài. Nhưng cứ cho là giải quyết xong tiếng Anh, sẽ lại nảy ra tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Trung… chuyện toán, chuyện văn, chuyện sử… rốt cuộc cũng chỉ là giải quyết phần ngọn mà thôi!

Không phải một sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chính thức, và không liên quan đến Ban tổ chức Đại lễ, nhưng rõ ràng những ồn ào quanh Hanoi's this season... absent the rain đúng vào thời điểm này vẫn là một vết xước không đáng có. Có thể, các bạn trẻ BSP cho ra đời CD này vì động cơ tốt đẹp không vụ lợi; cũng như nhà báo Lại Văn Sâm chỉ cố gắng cứu thua cho một ván cờ vốn đã thua từ sẵn; cũng như HHTGNV Diễm Hương (hẳn) không ngờ và không "cố ý" viết sai đến như vậy. Mà xét cho cùng, vốn tiếng Anh chưa phải cái gì đủ “to chuyện” để đánh giá năng lực mỗi người. Có thể, sẽ là hơi khắc nghiệt khi dẫn chiếu một công thức nhiều người Việt trẻ đều biết: Nhiệt tình + thiếu hiểu biết = phá hoại.

Một khi cái gốc của vấn đề không được ý thức rõ ràng và đầy đủ, thì đó vẫn chỉ là những sai sót mang tính cá nhân.

Điều thực sự đáng bàn trong những câu chuyện này là văn hóa. Cách ứng xử của mỗi người, mỗi tổ chức với sản phẩm văn hóa, sự kiện văn hóa, bản thân nó cũng là một thứ văn hóa kết tinh của tri thức, giáo dục, quan niệm, lối sống, tạo ra mặc định trong ý thức và chi phối hành vi. Đứng trước công chúng và trước những giá trị tinh thần của cộng đồng, thì sự tùy tiện không thể coi là sản phẩm của lòng nhiệt thành, càng không thể khuyến khích và dùng để “quảng bá” hình ảnh của văn hóa Việt ra bạn bè thế giới. 

Và giờ đây, khi mặc định rằng, một hoạt động lớn và thu hút công chúng như các cuộc thi Hoa hậu chưa chắc đã là nơi hội tụ của văn hóa – tri thức cũng như ứng xử, thì người ta sẽ phải ngơ ngác hỏi nhau: Nhưng như vậy, thì văn hóa biết hội tụ ở đâu đây?

Có một câu chuyện cũ: Xưa có vị vua nằm ngủ quên, quan coi mũ thấy lạnh, lấy áo đắp cho vua. Tỉnh dậy biết chuyện, vua không những không ban thưởng, mà còn phạt cả người coi mũ lẫn người coi áo, một vì không hoàn thành nhiệm vụ, một vì làm sai chức phận của mình!

Trong một hệ thống phân nhiệm rõ ràng, hành động tưởng chừng tàn nhẫn, độc đoán của ông vua lại hoàn toàn chính xác, vì chỉ có cách xử lý nghiêm khắc đó mới tạo được sự chuyên nghiệp trong tổ chức quản lý. Ừ thì nếu chờ người coi áo nhận ra, e rằng vua đã cảm lạnh mà chết không chừng. Nhưng nhìn từ phía khác, nếu ông quan thị thấy vua ốm mà nhảy vào bốc thuốc thay thái y, thì dễ lại “đau bụng uống nhân sâm”, lợi hại thế nào khó nói!

Cũng chỉ vì chưa thể “người nào vật nào chỗ nấy” mà thôi!

Đã có không ít “cái chết do cảm lạnh” ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, vì ai cũng tưởng mình là ông quan coi mũ; và cũng không ít “cái chết” do ông thợ rèn bỗng dưng được/ phải làm thợ cạo.

>> Bài trên VTC News

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Truyện cười] Tín dụng

Tháng 8. Mưa. Ở một thị trấn nhỏ đìu hiu bên bờ Biển Đen. Đó là một giai đoạn khó khăn, ai cũng nợ nần và phải mua vay bán chịu (*). Bỗng đâu, một du khách giàu có tìm đến. Ông bước vào khách sạn duy nhất của thị trấn, đặt 100 Euro lên bàn lễ tân và lên gác chọn phòng.

Cha thì sao, mẹ thì sao?

Tôi đã nghĩ như thế đấy, và bây giờ, tôi lại càng tin chắc như thế đấy: Cha mẹ nghĩ mình là ai mà có quyền bắt con cái phải chịu ơn họ ngay khi chúng được sinh ra trên đời?!

Thi và sĩ

Ngày xưa các cụ còng lưng học, rồi ngoáy một bài văn trong vài canh giờ để chọn hiền tài. Chữ "sĩ" (người có học) thêm một bộ nhân đứng thì thành "sĩ" trong xuất sĩ, làm quan. "Có chữ" tức là có học, "văn hay chữ tốt" tức là có tài, mà có tài thì phải ra kinh bang tế thế, mặc dù cái tài với cái lĩnh vực kinh bang có khi chả liên hệ tẹo nào. Có ông quan được khen là hiền, cả đời xuất sĩ chả làm gì, chỉ làm... thơ. Thôi thế cũng còn may, chứ ông đi xây đập Sông Tranh version trung đại thì đúng là thảm cho đời sau lắm. Di chứng lịch sử để lại là ở cái xứ Nam quốc này, những ông có dính tí "sĩ" chưa nhân đứng, hay nói cách khác, các nhân vật có chữ mà thời nay ta gọi bằng "trí thức", mười ông thì hết chín đều tin mình có tài năng thiên bẩm về chính trị.