Chuyển đến nội dung chính

Nhưng họ đã không nói với em

Gửi em, cô gái bán hoa,

Hẳn là họ đã nói với em rằng họ đã đấu tranh cho chính nghĩa thế nào, rằng nghề bán hoa chính đáng ra sao và họ đang bảo vệ em như này như kia như thế.

Hẳn là họ đã nói với em rất nhiều điều, giúp em biết được rất nhiều điều. Nhưng chắc còn một số điều, em vẫn chưa biết đâu. Để tôi nói với em, một chút thôi, những điều họ chưa bao giờ nói.

Họ nói với em rằng, mại dâm là nghề cổ xưa nhất của loài người, và cái gì tồn tại suốt chiều dài lịch sử đến tận bây giờ, thì hẳn nó phải là nhu cầu xã hội chính đáng.

Nhưng họ đã không nói với em rằng, ăn cắp, cướp giật cũng là những nghề cổ xưa nhất của loài người, và cũng tồn tại đến tận bây giờ, do xã hội vẫn chưa có cách nào triệt tiêu được nó.

Họ nói với em rằng, thân thể là của em, và chuyện em bán thân thể của chính mình không có gì bất hợp pháp.

Nhưng họ đã không nói với em, trong lịch sử đã từng có những nghề bị chính sự phát triển của loài người đào thải, mặc dù nó không có phạm luật tí ti nào hết, vì nó làm tổn thương đến con người. Như nghề kéo xe chẳng hạn.

Họ nói với em, have sex là nhu cầu tự nhiên như ăn uống, nên việc mua bán trao đổi nó cũng tự nhiên như mua đồ ăn thức uống, chẳng có gì xấu xa tồi bại.

Nhưng họ đã không nói với em rằng, loài người đã tiến hoá từ ăn lông ở lỗ, ăn sống nuốt tươi sang ăn chín, ăn ngon, ăn có nghệ thuật, ăn có văn hoá; đã tiến hoá từ chỗ cắn xé giành nhau miếng ăn sang ăn trông nồi, ngồi trông hướng, không phải cứ đói là có thể ăn vồ ăn vập, không phải thích ăn gì là giằng lấy để ăn. Hơn thế nữa, đến thức ăn còn có thứ ngon nhưng cấm săn bắt vì nó là động thực vật quý hiếm, thì cơ thể người há lại kém giá trị hơn sao.

Họ nói với em rằng, mua bán tình dục là vấn đề nhân quyền, nhân đạo, khi mà người neo đơn, người tàn tật cũng có nhu cầu.

Nhưng họ đã không nói với em rằng, trên thế giới này, luôn luôn có những nhu cầu không thể nào đáp ứng. Những người thiếu thốn có thể dùng búp bê sex, hoặc tìm ra những cô gái willing được làm tình với họ. Còn nếu không tìm ra, thì có nghĩa là họ đã đòi hỏi những thứ vượt quá năng lực của mình, và không một xã hội hay nền kinh tế nào có nhiệm vụ đẻ ra nguyên một ngành công nghiệp để phục vụ những nhu cầu quá tầm; cũng như không có nghĩa vụ phải support để bất cứ cô diễn viên hạng 3 nào đều được giải Oscar.

Họ nói với em rằng, hợp pháp hoá mại dâm là để bảo vệ các em trước bọn tú bà, ma cô và những kẻ bệnh hoạn.

Nhưng họ đã không nói với em rằng, buôn lậu sinh ra cùng với buôn chính ngạch, và một khi còn những kẻ coi thân thể con người là thứ để mua bán thì sẽ còn đó những tên ma cô. Hơn thế nữa, ở cái xứ ngồi trong nhà cũng bị ô tô tông chết này, em đi đâu để tránh những tai ương trên trời rơi xuống?

Và như vậy, cái luật đó ra đời không phải để bảo vệ em, mà để triệt tiêu luôn trong em cái động lực, ước mơ trở lại với cuộc sống bình thường, như đáng ra sẽ thế. Để em vĩnh viễn không hiểu được rằng, nàng gái điếm Vivian của bộ phim kinh điển Pretty Woman tuyệt vời đến thế không phải vì đã dám tự tin làm điếm, mà bởi ngay cả khi đã làm điếm, nàng vẫn biết thân xác không chỉ và không phải món hàng. Nàng ý thức được rằng, "lấy đĩ về làm vợ" là chấp nhận một quá khứ lầm lạc hay chẳng đặng đừng, chứ không phải chấp nhận một nghề nghiệp; và nàng không thể yêu một người trong khi vẫn tiếp tục bán thân cho cả ngàn người khác.

Nhưng họ đã không nói với em.


Bài liên quan: Về "tứ đại ngu" của ông Hoàng Hữu Phước

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Truyện cười] Tín dụng

Tháng 8. Mưa. Ở một thị trấn nhỏ đìu hiu bên bờ Biển Đen. Đó là một giai đoạn khó khăn, ai cũng nợ nần và phải mua vay bán chịu (*). Bỗng đâu, một du khách giàu có tìm đến. Ông bước vào khách sạn duy nhất của thị trấn, đặt 100 Euro lên bàn lễ tân và lên gác chọn phòng.

Cha thì sao, mẹ thì sao?

Tôi đã nghĩ như thế đấy, và bây giờ, tôi lại càng tin chắc như thế đấy: Cha mẹ nghĩ mình là ai mà có quyền bắt con cái phải chịu ơn họ ngay khi chúng được sinh ra trên đời?!

Thi và sĩ

Ngày xưa các cụ còng lưng học, rồi ngoáy một bài văn trong vài canh giờ để chọn hiền tài. Chữ "sĩ" (người có học) thêm một bộ nhân đứng thì thành "sĩ" trong xuất sĩ, làm quan. "Có chữ" tức là có học, "văn hay chữ tốt" tức là có tài, mà có tài thì phải ra kinh bang tế thế, mặc dù cái tài với cái lĩnh vực kinh bang có khi chả liên hệ tẹo nào. Có ông quan được khen là hiền, cả đời xuất sĩ chả làm gì, chỉ làm... thơ. Thôi thế cũng còn may, chứ ông đi xây đập Sông Tranh version trung đại thì đúng là thảm cho đời sau lắm. Di chứng lịch sử để lại là ở cái xứ Nam quốc này, những ông có dính tí "sĩ" chưa nhân đứng, hay nói cách khác, các nhân vật có chữ mà thời nay ta gọi bằng "trí thức", mười ông thì hết chín đều tin mình có tài năng thiên bẩm về chính trị.