Chuyển đến nội dung chính

Từ quả trứng gà 1 triệu đô

Gần đây, báo chí Australia đưa tin về ý tưởng “Một quả trứng, một thế giới” của 3 sinh viên, rất độc đáo và thú vị: một chương trình gây quỹ từ thiện không thông qua quyên góp, mà thông qua một chuỗi trao đổi trong cộng đồng mạng. 
3 người bạn bắt đầu từ một quả trứng gà, đổi trứng lấy đĩa CD của một cư dân mạng, lại đổi đĩa CD lấy một món đồ của một cư dân mạng khác, dần dần đổi tới một máy ảnh, rồi một chiếc ô tô, và giờ đây, đã đổi đến một vật phẩm trị giá đến 2200 AUD (dollar Australia, tương đương 17.600 VND). Dự kiến, cuộc trao đổi này sẽ tiếp tục cho đến khi đạt mục tiêu 1 triệu AUD, tức gần 18 tỉ đồng tiền Việt Nam!

Quả trứng gà 1 triệu đô và cây bút 320 triệu đồng
 3 người bạn bắt đầu từ một quả trứng gà, giờ đã đổi đến một vật phẩm trị giá đến 2200 AUD.

Ai mà nghĩ một quả trứng gà có thể trị giá cả triệu đô!

Không ai nghĩ đến, nhưng những người trẻ nghĩ đến. Vì họ trẻ. Vì họ năng động, sáng tạo. Nhưng hơn hết, vì họ sống trong một thế giới, một thời đại của cộng đồng và kết nối; hơn ai hết, họ hiểu sức mạnh của kết nối cộng đồng.

Tất nhiên, trao đổi không phải cách duy nhất. Bạn có thể kiếm một quả trứng độc đáo hơn, rồi đem đấu giá và thu về bạc tỉ từ các Mạnh Thường Quân. Bạn cũng có thể, như chúng ta vẫn làm mọi khi, quyên góp từ cả cộng đồng. Nhưng có gì khác giữa việc trao đổi này với một ngày hội từ thiện để các đại gia rút túi vài triệu đô gây quỹ? Và có gì khác với việc vận động cả triệu con người cùng đóng góp mỗi người một vài đô la, để cho ra một số tiền tương tự?

Khác chứ. Bạn không cần là một đại gia để tham gia chương trình. Bạn cũng không cần so phần đóng góp của mình với những đại gia, như cách người ta vẫn hay so sánh: ông A ủng hộ 100.000đ, ông B ủng hộ 1 tỷ đồng. Ở đây, mỗi bước là quan trọng ngang nhau, bạn đổi chiếc cặp sách của mình lấy một cái đĩa CD, cũng quan trọng như một người khác đổi một căn hộ lấy một cái ô tô.

Quả trứng gà 1 triệu đô và cây bút 320 triệu đồng
Bạn không cần là một đại gia để tham gia chương trình. 
Quan trọng hơn, bạn không “ủng hộ”, không cho không ai cái gì. Tất cả đều có cho đi và có nhận về. Tất cả đều không phải chịu thiệt thòi, vì sau mỗi lần trao đổi, bạn có được cái mình thích, giá trị - xét về mặt vật chất thuần túy - chỉ nhỏ hơn một chút thôi, nhưng lại được “khuyến mãi” thêm niềm thích thú khi tham gia một trò chơi cộng đồng hào hứng tuyệt vời.

Trò chơi này nhắc chúng ta, bạn không cần lúc nào cũng ôm tâm lý của một nhà từ thiện và mang bộ mặt của một nhà từ thiện để đi làm từ thiện. Bạn không làm ơn cho ai, mà đơn giản là đổi một vật phẩm của mình lấy một vật phẩm mới và một niềm vui mới. Mà niềm vui ấy tuyệt vời ở chỗ, một giá trị được nhân lên cho tất cả mọi con người. 3 người bạn đầu tiên sẽ hạnh phúc thấy quả trứng của mình tăng giá từng ngày, người bạn tiếp theo thấy chiếc đĩa CD của mình tăng giá từng giờ… Đó là một chuỗi niềm vui bất tận, không giống như khi bạn đơn thuần bỏ một chiếc phong bì vào hòm từ thiện.

Mới hôm nay, trên mạng Sina, lại nghe nói các bạn trẻ Trung Quốc phát động chiến dịch trên mạng nhằm gây quỹ xây trường cho các em nhỏ ở thôn nghèo Quảng Tây. Câu chuyện bắt đầu từ ngày 16/3, khi blogger nổi tiếng Lương Thụ Tân (người khởi xướng hoạt động không mặc quần trên tàu điện ngầm để giảm thiếu hiệu ứng nhà kính gây tranh nghị mấy tháng trước) đưa lên mạng một thông tin: ở thôn Phật Đinh, huyện Chiêu Bình, Quảng Tây, các em nhỏ đang phải học trong một ngôi trường đổ nát, và kêu gọi phong trào “cây bút chì 12 vạn”.

Vẫn là phương thức đó: các bạn dùng cây bút chì cũ của một em nhỏ Phật Đinh để bắt đầu trao đổi, với mục tiêu thu được số tiền cuối cùng là 12 vạn NDT (khoảng 320 triệu VND), số tiền vừa đủ để xây lại cho các em một ngôi trường xinh xắn. Ý tưởng vừa đưa ra đã nhận được sự hưởng ứng sôi nổi của cộng đồng mạng, trong đó có 2 người dẫn chương trình nổi tiếng Trung Quốc Tăng Tử Mặc và Vương Khải.

Quả trứng gà 1 triệu đô và cây bút 320 triệu đồng
 Phong trào “cây bút chì 12 vạn” hy vọng gây quỹ xây trường cho các em nhỏ ở thôn nghèo Quảng Tây.

“Góp gió thành bão, năng nhặt chặt bị”, từ xưa lắm rồi, người ta đã biết những cái nhỏ nhặt khi tập hợp với nhau sẽ làm nên cái lớn. Những kịch bản “kiến giết voi” dường như tồn tại ở tất cả mọi châu lục, quốc gia, minh chứng rằng con người từ lâu đã biết coi trọng sức mạnh tập thể, cộng đồng.

Có nhiều yếu tố gắn kết con người với nhau, mà lịch sử đã chứng minh, lợi ích là chất keo gắn kết họ chặt chẽ hơn cả. Nhưng nếu hiểu “lợi ích” chỉ bao gồm khía cạnh vật chất, thì không chỉ tầm thường hóa sức mạnh ấy, mà còn đặt dấu mốc đầu tiên cho sự tan rã của một cộng đồng. Vui chơi là một nhu cầu, hưởng thụ là một nhu cầu, chia sẻ, cống hiến cũng là một nhu cầu! Mặt khác, nếu chỉ bắt mỗi cá nhân cống hiến và cống hiến, thì đó cũng không bao giờ là cách gắn kết họ với cộng đồng ấy. Sự cân bằng của cuộc sống nằm ở chỗ, ai cũng có cái gì đó để trao đi và để nhận về.

Bạn còn nhớ trò chơi “tam sao thất bản”? Một người nói thầm câu chuyện vào tai người bên cạnh, người bên cạnh nói cho người tiếp theo, cứ như thế hết vòng tròn, cho đến lúc quay lại người đầu tiên, bạn sẽ kinh ngạc thấy nó không còn là câu chuyện ban đầu nữa! Nó có thể tốt hơn, cũng có thể dở hơn, có thể phong phú hơn, cũng có thể nghèo nàn hơn; có thể mang thiện chí và cũng có thể mang những thông điệp xấu hơn, tiêu cực hơn.

Sự trao đi và nhận về trong cộng đồng cũng thế đấy, luôn mang tính 2 mặt, và hãy tin rằng bạn sẽ không nhận về chính những thứ mình đã trao đi. Điều quan trọng là, bạn và xu hướng của bạn sẽ góp phần định hướng cho chuỗi trao – nhận ấy. Và nếu một ngày nào đó, nhận về những thứ bạn cho là không tương xứng, hãy nghĩ đến những điều đã trao đi trong quá khứ, và thử bù lại bằng cách trao đi những điều tích cực hơn.

Bởi vì, đó là cách người trẻ chúng ta đối mặt và kết nối cộng đồng!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Truyện cười] Tín dụng

Tháng 8. Mưa. Ở một thị trấn nhỏ đìu hiu bên bờ Biển Đen. Đó là một giai đoạn khó khăn, ai cũng nợ nần và phải mua vay bán chịu (*). Bỗng đâu, một du khách giàu có tìm đến. Ông bước vào khách sạn duy nhất của thị trấn, đặt 100 Euro lên bàn lễ tân và lên gác chọn phòng.

Cha thì sao, mẹ thì sao?

Tôi đã nghĩ như thế đấy, và bây giờ, tôi lại càng tin chắc như thế đấy: Cha mẹ nghĩ mình là ai mà có quyền bắt con cái phải chịu ơn họ ngay khi chúng được sinh ra trên đời?!

Gái Hà Nội (2)

Thời thơ ấu của bố trôi qua nói chung yên bình như tất cả lũ trẻ con phố Hàng khác; hoặc giả trong những cái đầu thơ trẻ, bình yên là dù có bom rơi đạn lạc hay tay uỷ ban từng là ông bán cháo lòng thì cây bàng đầu phố quả vẫn cứ rơi lộp bộp trong bài văn của chúng.